Những ngày gần đây, một sự kiện diễn ra đã thu hút sự chú ý của dư luận thế giới, đặc biệt là dư luận của khối liên minh châu Âu EU và dư luận Việt Nam: Lễ kí kết hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Thực chất EVFTA là gì? Việt Nam được gì sau khi kí hiệp định EVFTA?
Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) là gì?
Mới đây, ngày 30/6/2019, Việt Nam và EU đã kí kết một hiệp định mang tên Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (tên tiếng anh viết tắt là EVFTA). EVFTA là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA cùng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.
Hành trình 9 năm đàm phán và chinh phục EVFTA của Việt Nam
Tháng 10/2010, Chủ tịch EU và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA. Đến tháng 6/2012, tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA mới được chính thức công bố bởi Bộ trưởng Công thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU.
Sau hơn 3 năm, tháng 12/2015, đàm phán kết thúc và bắt đầu khởi động tiến trình rà soát pháp lý, chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định. Đến tháng 6/2017, hoàn thành rà soát ở cấp kỹ thuật.
Tháng 9/2017: do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên, EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng.
Theo đó, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng là:
- Hiệp định Thương mại tự do EVFTA với nội dung chính là toàn bộ nội dung hiện nay, tuy nhiên, phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời sẽ do EU quyết định.
- Hiệp định Bảo hộ đầu tư (Hiệp định IPA) bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Để có thể thực thi Hiệp định IPA thì phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên.
Tháng 6/2018: việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) đã chính thức được thống nhất bởi Việt Nam và EU. Đồng thời, toàn bộ quá trình rà soát pháp lý hiệt định EVFTA cũng kết thúc và toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA cũg được thống nhất. đến tháng 8/2018, quá trình rà soát pháp lý Hiệp định IPA hoàn tất.
Ngày 17/10/2018, Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua hai Hiệp định EVFTA và IPA.
Sau nỗ lực đàm phán của ta với các quá trình rà soát pháp lý phức tạp, đến ngày 25/6/2019, Hội đồng châu Âu đã phê duyệt cho phép ký các Hiệp định.
Đây là câu trả lời xứng đáng cho quá trình 9 năm nỗ lực đàm phán của chúng ta và đi tới kết quả tốt đẹp là Hiệp định được chính thức kí kết vào ngày 30/6/2019.
Sau ký kết, hiệp định EVFTA còn phải trải qua tiến trình phê chuẩn Nghị viện châu Âu trên cơ sở xem xét đề nghị của Uỷ ban châu Âu vào cuối năm 2019 để có thể chính thức có hiệu lực với hai bên. Riêng với Hiệp định IPA thì cần thời gian lâu hơn do phải được nghị viện các quốc gia thành viên phê duyệt riêng.
Việt Nam được gì sau khi kí kết hiệp định EVFTA?
EVFTA là một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà theo đó, ngoài điều khoản xóa rào cản thuế quan, hiệp định này còn kèm theo những điều khoản rộng hơn nhằm mang lại lợi ích cho môi trường kinh doanh, doanh nghiệp, người lao động và các vấn đề khác giữa đôi bên.
Trong đó, nổi bật nhất là việc xóa bỏ rào cản thuế quan. Ngay sau khi EVFTA được kí kết thì gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu và rút ngắn lộ trình xuất khẩu so với trước đây.
Theo Bộ Công Thương, hai hiệp định gồm Hiệp định thương mại tự do EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA) được ký kết gồm những cam kết đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư, các nhà đầu tư. Điều này sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, giúp tăng sức hút của thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư đến từ EU.
EVFTA gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và các biên bản ghi nhớ kèm theo ( bao gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, phòng vệ thương mại, đầu tư, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ…). EVFTA là hiệp định toàn diện và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.
Với cam kết gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu, đây là mức cam kết cao nhất trong các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác cho đến nay. Đặc biệt, EU lại là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn và tiềm năng nhất của Việt Nam thì lợi ích trên lại càng có ý nghĩa hơn nữa.
Đối với EU, Việt Nam cũng là thị trường được đánh giá cao. Trong lời ca ngợi của Cao ủy thương mại Malmstrom, với hơn 95 triệu khách hàng thì Việt Nam là thị trường rất có tiềm năng, sôi nổi và đầy hứa hẹn.