Một doanh nghiệp kể từ khi thành lập cho tới khi đi vào hoạt động đều phải có một nguồn vốn nhất định để mua sắm tài sản và vận hành doanh nghiệp. Nguồn vốn này có thể được huy động từ nguồn vốn vay hoặc vốn chủ sở hữu.
Vốn chủ sở hữu là gì?
Vốn chủ sở hữu (tiếng Anh: Equity) là số tiền sẽ được trả lại cho các cổ đông của công ty nếu tất cả tài sản được thanh lý và tất cả các khoản nợ của công ty đã được trả hết.
Vốn chủ sở hữu được thể hiện trong bảng cân đối kế toán của công ty và là một thước đo tài chính phổ biến để đánh giá tình hình sức khỏe tài chính của công ty.
Phân biệt vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ
Vốn điều lệ là số vốn do thành viên hoặc cổ đông cam kết góp trong một khoảng thời gian nhất định và được ghi trong điều lệ của công ty. Tài sản góp vốn có thể là tiền mặt, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ…
Trên báo cáo tài chính, vốn điều lệ được gọi là vốn cổ phần. Nó là cơ sở để xác định tỉ lệ phần vốn góp của doanh nghiệp, thông qua đó, làm cơ sở đề phân chia quyền, lợi ích và nghĩa vụ giữa các cổ đông.
Sự khác biệt cơ bản giữa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu là vốn điều lệ chỉ ghi con số có tính chất đăng ký. Trong trường hợp cổ đông chưa góp đủ số vốn đã cam kết, khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán phải giải thể. Các cổ đông phải chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp đã đăng ký.
Qua quá trình vận hành của doanh nghiệp, các khoản lãi/lỗ có thể thay đổi, khiến cho vốn chủ sở hữu thay đổi. Trên thực tế, doanh nghiệp sau một thời gian hoạt động sẽ có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn cổ phần.
Vốn chủ sở hữu gồm những gì?
- Vốn đóng góp của các nhà đầu tư để thành lập doanh nghiệp mới hoặc mở rộng . Chủ sở hữu vốn của doanh nghiệp có thể là Nhà nước, cá nhân hoặc các tổ chức tham gia góp vốn, các cổ đông mua và nắm giữ cổ phiếu;
- Các khoản thặng dư vốn cổ phần do phát hành cổ phiếu cao hơn hoặc thấp hơn mệnh giá;
- Các khoản nhận biếu, tặng, tài trợ (nếu được ghi tăng vốn chủ sở hữu);
- Vốn được bổ sung từ kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của chính sách tài chính hoặc quyết định của các chủ sở hữu vốn, của Hội đồng quản trị,…
- Các khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản, và các quỹ hình thành từ lợi nhuận sau thuế (Quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính, các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu, lợi nhuận chưa phân phối, nguồn vốn đầu tư XDCB,…);
- Giá trị cổ phiếu quỹ làm giảm nguồn vốn chủ sở hữu.
Công thức tính vốn chủ sở hữu
Để xác định được vốn chủ sở hữu, bạn chỉ cần:
- Xác định tổng tài sản của công ty trên bảng cân đối kế toán
- Xác định tổng nợ phải trả
- Lấy tổng tài sản trừ đi tổng nợ phải trả
Dưới đây là công thức xác định vốn chủ sở hữu của công ty.
Vốn chủ sở hữu = Tài sản – Nợ phải trả
Ý nghĩa của vốn chủ sở hữu
Vốn chủ sở hữu rất quan trọng vì nó đại diện cho giá trị cổ phần của nhà đầu tư khi đầu tư vào một công ty. Sở hữu cổ phiếu trong một công ty theo thời gian có thể mang lại lợi nhuận vốn hoặc tăng giá cổ phiếu cũng như cổ tức cho các cổ đông. Sở hữu vốn cổ phần cũng có thể cho các cổ đông quyền bỏ phiếu trong bất kỳ cuộc bầu cử nào cho hội đồng quản trị.
Vốn cổ đông có thể là âm hoặc dương. Nếu dương, công ty có đủ tài sản để trang trải các khoản nợ của mình. Nếu âm, nợ của công ty vượt quá tài sản của nó; nếu kéo dài, đây được coi là mất khả năng thanh toán.
Thông thường, các nhà đầu tư xem các công ty có vốn cổ đông âm là đầu tư rủi ro hoặc không an toàn. Chỉ riêng vốn cổ đông không phải là một chỉ số quyết định về sức khỏe tài chính của công ty, khi được sử dụng cùng với các công cụ và số liệu khác, nhà đầu tư có thể phân tích chính xác sức khỏe của một tổ chức.
So sánh vốn chủ sở hữu và giá trị vốn hóa
Như đã nói ở trên, vốn chủ sở hữu được tính bằng chênh lệnh giữa tài sản và nợ trên bảng cân đối kế toán của công ty, trong khi giá trị thị trường của vốn chủ sỡ hữu dựa trên giá cổ phiếu hiện tại.
Như vậy, vốn chủ sở hữu có thể tính theo 2 cách:
- Giá trị sổ sách
- Giá trị thị trường (vốn hóa thị trường)
Trên thực tế, vốn chủ sở hữu tính theo giá trị thị trường có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị sổ sách. Nếu một công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán, giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu sẽ được tính toán dễ dàng bằng cách lấy giá cổ phiếu nhân với tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Giá trị thị trường = Giá cổ phiếu x tổng số cổ phiếu lưu hành
Vì giá của cổ phiếu thay đổi liên tục, nên vốn hóa thị trường của công ty cũng thay đổi theo.
Các kịch bản khác nhau khi so sánh giá trị sổ sách và giá trị thị trường:
- Giá trị sổ sách lớn hơn giá trị thị trường: Nếu một công ty đang giao dịch với giá trị thị trường thấp hơn giá trị sổ sách, điều đó có nghĩa là thị trường đã mất niềm tin vào công ty trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này xảy ra khi doanh nghiệp đang gặp phải các vấn đề bất lợi.
- Giá trị thị trường lớn hơn giá trị sổ sách: Khi giá trị thị trường vượt quá giá trị sổ sách, thị trường chứng khoán đang gán giá trị cao hơn cho công ty do tiềm năng của công ty và khả năng sinh lợi của công ty.
- Giá trị sổ sách bằng giá trị thị trường: Thị trường không thấy lý do thuyết phục nào để tin rằng tài sản của công ty tốt hơn hoặc xấu hơn so với những gì được nêu trên bảng cân đối kế toán.
Tỉ lệ phổ biến được sử dụng để so sánh giá trị sổ sách và thị trường là tỉ lệ giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách (P/B) được tính bằng giá trên mỗi cổ phiếu chia cho giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu.
Trong đó:
- P/B = 1: Giá trị sổ sách và giá trị thị trường bằng nhau
- P/B < 1: Giá thị trường nhỏ hơn giá trị sổ sách
- P/B > 1: Giá thị trường lớn hơn giá trị sổ sách
So sánh giá trị sổ sách và giá trị thị trường giúp các nhà đầu tư xác định liệu một cổ phiếu được định giá quá cao hay bị định giá thấp do tài sản, nợ phải trả và khả năng tạo thu nhập của nó. Hi vọng bài viết đã giải đáp được thắc mắc vốn chủ sở hữu là gì. Chúc các bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích.
Bài viết liên quan
Tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là gì? |
Tỉ lệ giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách (P/B) là gì? |
Vốn hóa thị trường là gì? |