Xa xỉ phẩm là gì?
Rất nhiều người, không cứ là minh tinh là ca sĩ là người mẫu, khi về già “sến” chảy nước, thường cay đắng lẩm bẩm. “Cuộc đời giống như một giấc mộng xa xỉ”.
Thuật ngữ “xa xỉ” dù ở bất cứ hoàn cảnh nào đều dễ bị người ta hiểu rằng đấy là sự hoang phí hoặc lãng phí. Thậm chí, nhiều người từng lăn lộn thập thành ở showbiz, bỗng đa cảm bật khóc. Chẳng hiểu sao lúc trẻ khỏe, mình lại có thể loạng choạng sa ngã vì cám dỗ từ hộp son thỏi phấn, đại loại là mấy thứ xa xỉ mang vẻ vớ vẩn đến vậy.
Từ sâu xa, bản chất của sự sang trọng xa xỉ luôn không có lỗi. Có thể nói, lịch sử của sự xa xỉ được bắt đầu cùng với lịch sử văn minh nhân loại. Khi một bộ phận tinh hoa nào đấy (chính trị gia, kinh tế gia, nghệ thuật gia…) bằng trí tuệ và lao động đã may mắn sở hữu một khối tài sản hơn người, thì đương nhiên bọn họ tự cho phép được dùng những xa xỉ phẩm.
Bát nào chẳng để mà ăn, nhưng với họ, bát phải bằng vàng đũa phải bằng ngọc. Sách nào chẳng để mà đọc, nhưng thú vị làm sao khi nó được làm từ loại giấy hạng nhất rồi được bọc bằng loại da thú tuyệt hảo. Chất lượng sinh hoạt quyết định chất lượng nhân cách. Từ điển tiếng Việt giải thích “xa xỉ phẩm” là “hàng tiêu dùng đắt tiền không thật cần thiết cho đời sống bình thường”.
Có thật thế chăng, hay đấy chỉ là một cái nhìn thuần tuý dung tục vật chất, nó vắng hẳn một kích cỡ nhân văn cùng một nỗi khát khao bay bổng khác thường. Bởi trớ trêu thay, chính nhờ sự sang trọng xa xỉ mà văn minh nhân loại mới hoành tráng đạt đến mức tinh tế. Các công trình kiến trúc hay điêu khắc hao người tốn của từng một thời bị dân chúng nguyền rủa, thì giờ đây nhân loại vinh danh là những kiệt tác vĩ đại. Nên nhớ, hầu hết các công trình đó đều sinh ra từ những ý niệm ngông cuồng xa xỉ.
Tuy nhiên, trong thế giới của xa xỉ luôn tồn tại một nguyên tắc, quý vật chỉ đãi quý nhân. Chân ngắn mà đòi leo cao, mồm móm mà muốn nhai món quý, tất yếu dẫn tới những hậu quả tệ hại khôn lường. Sử Tàu chép, mùa thu năm 964, Tống Thái Tổ khởi đại binh tấn công tiểu quốc Hậu Thục. Có một điều làm kinh hãi quân Tống, đấy không phải tinh thần kháng cự của đối phương mà là sự xa xỉ kinh hoàng của Thục chúa. Khi biên tịch của cải ở hậu cung, quân Tống tìm thấy một vật cực lạ. Nó là một thùng nhỏ được đẽo ra từ nguyên khối ngọc lục bảo, hai bên quai xách là hai bàn đế bằng vàng ròng nạm chi chít kim cương. Là người hiểu nhiều biết rộng nhưng vua Tống cũng chịu không biết đấy là vật gì. Sau hơn một tuần họp nội các mới đoán định được đó là cái bồn cầu, thuật ngữ nội thất đương đại nôm na gọi là bệ toa lét. Hoàng đế nhà Tống tuy sang trọng quen thói nhưng cũng phải ứa nước mắt cảm thán. “Bồn cầu mà xa xỉ đến mức này thì đồ ăn thức uống còn xa hoa đến đâu. Hoang phí như vậy làm gì mà không mất nước”.
Đích thực của sự sang trọng xa xỉ thường có chân có giả. Chân xa xỉ là đem cái của mình hoang phí cho đời, còn giả xa xỉ là cưỡng chiếm những cái hay ho của đời để xa hoa phục vụ cho mình. Bạo chúa Neron là loại giả xa xỉ, tay này đốt cả kinh thành La Mã chỉ để tìm hứng làm thơ. Thi sĩ đích thực khác hẳn, họ sống tuyệt vời lãng phí để có những vần thơ trong trắng nhất. Với họ, thơ là một xa xỉ phẩm thiêng liêng của Thượng Đế.
Định nghĩa về xa xỉ thường mang tính cá nhân và vô định hình, tùy thuộc vào cách nhìn nhận, tiêu chuẩn và trải nghiệm sống của từng người. Dù vậy, vẫn có một số đặc tính chung đã được công nhận mà bất cứ sản phẩm hoặc dịch vụ xa xỉ nào đều phải sở hữu.
Tám đặc tính không thể thiếu trên xa xỉ phẩm
Độ quý hiếm
Xa xỉ không mang tính đại chúng, không dành cho tất cả mọi người. Đó là những thứ độc quyền, quý hiếm và số lượng sản xuất hạn chế; ra đời để phục vụ cho một nhóm khách hàng riêng biệt. Không chỉ lựa chọn địa điểm, thời gian và phương pháp sản xuất chuyên biệt, các thương hiệu hàng xa xỉ còn có quyền quyết định bán như thế nào và bán cho ai. Ví dụ, mẫu xe thể thao Lexus F Sport LFA có giá bán tới 375.000 USD nhưng hãng xe cao cấp Nhật Bản chỉ sản xuất 500 chiếc nên không phải “thượng đế” giàu có nào cũng mua được.
Chất lượng hoàn hảo
Một khi đã nói đến xa xỉ thì không bao giờ phải đắn đo về chất lượng như thế nào, bởi hai từ “hoàn hảo” đã trở thành điều hiển nhiên; từ nguyên vật liệu đến tay nghề thủ công đều đạt tới chuẩn mực cao, vượt xa các loại hàng hóa phổ thông khác. Chất lượng không mang tính nhất thời hoặc biến đổi, mà phải nhất quán và ngày càng hoàn thiện hơn qua nhiều thế hệ. Chẳng hạn như, một nhà máy rượu vang sẵn sàng ngừng sản xuất một năm vì mùa nho không đáp ứng tiêu chuẩn định ra.
Mức giá cao ngất ngưởng
Một sản phẩm đắt tiền không có nghĩa đó là hàng xa xỉ, nhưng ngược lại, gần như toàn bộ sản phẩm cao cấp đều đắt tiền. Mức độ đắt đỏ chưa phải là yếu tố duy nhất đại diện cho đẳng cấp, nhưng lại khiến người tiêu dùng tin rằng món đồ họ muốn mua rất hiếm và đạt chất lượng xuất sắc. Túi xách Hermès Birkin được ví như “chén thánh” với các tín đồ thời trang có giá bán lên tới vài trăm nghìn đô-la, nhưng vẫn khiến giới mộ điệu không ngừng săn lùng.
Trường tồn với thời gian
Xa xỉ phẩm không chỉ để lại ấn tượng mạnh mẽ ngay từ lúc ra mắt, mà còn gia tăng sức hút lẫn giá trị theo thời gian. Chất lượng cũng như đẳng cấp của hàng hóa và dịch vụ cao cấp trường tồn qua nhiều thế hệ, không thể phai mờ. Chiếc váy tuyệt đẹp từng được huyền thoại sắc đẹp Marilyn Monroe mặc để hát trong tiệc sinh nhật lần thứ 45 của cố Tổng thống Mỹ John F Kennedy đã được một viện bảo tàng mua lại với giá tới 4,8 triệu USD.
Chân thật
Một món hàng thực sự xa xỉ toát ra sức hút từ nội tại chứ không cần quảng cáo rầm rộ. Dù bề ngoài đôi khi rất đơn giản, chẳng hề màu mè, nhưng ẩn bên trong là chất liệu thượng hạng cùng kỹ nghệ chế tác bậc thầy. Ví dụ, loại sợi để làm những chiếc khăn Pratesi đều xuất phát từ cây bông vải trồng ở miền Nam Ai Cập. Nắm giữ hợp đồng lâu đời nhất với các trang trại ở khu vực này, thương hiệu thời trang Ý được quyền chọn lọc và mua loại bông đạt chất lượng tốt nhất.
Đo ni đóng giày
Xa xỉ tạo cảm giác độc đáo ngay cả khi đó không phải là món đồ độc nhất vô nhị. Bản năng của xa xỉ biết được điều gì mà khách hàng mong muốn trước cả khi họ tự nhận thức được. Nhờ đó, sản phẩm cao cấp luôn khiến các “thượng đế” cảm thấy bản thân thật đặc biệt, giúp họ tự tin khẳng định đẳng cấp chính mình. Thương hiệu giày Stefano nổi tiếng với kỹ năng chế tác thủ công điêu luyện và tài tình, mỗi đôi giày phải mất tối thiểu 3 tháng để hoàn thành, mang đến cho người dùng cảm giác thoải mái tối đa và sự ngưỡng mộ tuyệt đối về tính nghệ thuật.
Sự hài lòng
Xa xỉ mang lại niềm vui, cho dù về lý tính hoặc phổ biến hơn là cảm xúc: sở hữu một món đồ thể hiện đẳng cấp, quyền lực và khiến người khác ghen tị. Đem đến sự hài lòng cho chủ nhân là trách nhiệm của bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cao cấp nào. Liệu có điều gì khiến phái đẹp cảm thấy phấn khích hơn được sở hữu bộ trang sức Cartier trị giá vài triệu đô, nếu con số này không mua được niềm vui thì thế giới chắc hẳn sẽ rất buồn.
Trải nghiệm
Xa xỉ liên quan đến trải nghiệm chứ không đơn thuần là vật chất. Những khách hàng sẵn sàng bỏ ra hàng trăm nghìn đô-la để mua một chiếc túi xách hay đôi giày không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm, mà còn đề cao trải nghiệm mua sắm, chẳng hạn như không gian (thiết kế, bố trí cửa hàng), cách ứng xử của nhân viên hay dịch vụ đi kèm (ứng dụng Concierge hay Vertu Life trên điện thoại Vertu). Chẳng hạn như, các cửa hiệu của Burberry đều trang bị công nghệ RFID thực tế ảo giúp khách hàng thử quần áo ảo với màn hình tương tác.
Nguồn: Robbreport.com.vn