Tháng 11 năm 1989, tại Can-Be-Ra (Úc), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế thế giới Châu Á – Thái Bình Dương (tên tiếng Anh là Asia-Pacific Economic Cooperation, viết tắt là APEC) chính thức được thành lập. Đây là một diễn đàn kinh tế mở, được ra đời với mục đích xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện trong khi thực sự mở cửa đối với tất cả các nước và khu vực khác. Nếu coi APEC là một quốc gia thì đây sẽ là một “siêu nền kinh tế” lớn nhất thế giới.
Apec là gì?
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (tiếng Anh: Asia-Pacific Economic Cooperation, viết tắt: APEC) là diễn đàn kết nối 21 nền kinh tế thành viên Vành đai Thái Bình Dương với mục tiêu tăng cường mối quan hệ về kinh tế và chính trị.
APEC được thành lập vào tháng 11/1989 tại Hội nghị Bộ trương Ngoại giao và Kinh tế tổ chức ở Can-bê-ra thuộc nước Úc với 12 thành viên sáng lập bao gồm: Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ca-na-đa, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Singapore, Brunei, Indonesia và Malaysia.
Tháng 11/1991, APEC kết nạp thêm Trung Quốc, Hồng Công và Đài Loan; tháng 11/1993 kết nạp thêm Papua New Guinea, Mexico; tháng 11/1994 thêm Chi-lê. Sau đó, APEC tạm ngừng thời hạn xét kết nạp thành viên trong 3 năm.
Tháng 11/1998 sau khi kết nạp thêm ba thành viên là Việt Nam, Nga và Pê-ru, APEC quyết định tiếp tục tạm ngừng thời hạn xét kết nạp thành viên mới trong vòng 10 năm nhằm củng cố, ổn định tổ chức.
Như vậy, đến thời điêm hiện tại, APEC có 21 thành viên và là tổ chức kinh tế khu vực lớn hàng đầu thế giới với khoảng hơn 2,8 tỉ dân, chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới và đóng góp 59% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và 49% thương mại thế giới.
Mục tiêu chung của APEC là xây dựng diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện.
Do vậy, APEC hoạt động xoay quanh ba nội dung chính là tự do hóa thương mại và đầu tư, thức đẩy phát triển thương mại và đầu tư và hợp tác kinh tế kỹ thuật dựa trên các chương trình hành động tập thể (CAP) và các chương trình hành động quốc gia (IAP) của từng thành viên.
Bối cảnh ra đời của APEC
Kinh tế toàn cầu: Toàn cầu hoá ngày càng gia tăng trên tất cả các lĩnh vực đã làm cho tính phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia trên thế giới ngày càng tăng. Quá trình khu vực hoá cũng ngày càng gia tăng với sự hình thành của các khối mậu dịch khu vực lớn trên thế giới như EU, AFTA, NAFTA,…
Kinh tế khu vực: Vào những năm 1980, khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Á được coi là những nền kinh tế năng động trên thế giới với tốc độ tăng trưởng trung bình là 9-10%/năm. Lúc này, sự hợp tác kinh tế thương mại trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương là hợp lý và cần thiết để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Chính trị thế giới: Vào cuối những năm 80, chiến tranh lạnh chấm dứt, các quốc gia lớn trên thế giới đều có sự điều chỉnh về chiến lược. Đặc biệt, sự hội tụ về lợi ích kinh tế và chính trị giữa các nước lớn đã dẫn tới việc hình thành nên một cơ cấu kinh tế thương mại trong khu vực.
Nhu cầu phát triển của các nước thành viên ASEAN: Sự hình thành một diễn đàn hợp tác phát triền kinh tế, thương mại là điều cần thiết để các nước ASEAN tăng cường tiếng nói trong khu vực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhưng vẫn có thể giữ nguyên những cơ chế hợp tác chính trị hiện đang có.
Mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của APEC
Bốn mục tiêu chính
- Duy trì tăng trưởng và phát triển, vì lợi ích chung của nhân dân các nền kinh tế trong khu vực, góp phần vào tăng trưởng và phát triển chung của kinh tế thế giới.
- Phát huy những tác động tích cực của sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng đối với kinh tế khu vực và thế giới, bằng cách đẩy mạnh sự giao lưu hàng hoá, dịch vụ, vốn và công nghệ.
- Xây dựng và tăng cường hệ thống thương mại đa biên, vì lợi ích của Châu Á -Thái Bình Dương và các nền kinh tế khác.
- Giảm dần những rào cản đối với thương mại hàng hoá và dịch vụ giữa các nền kinh tế thành viên phù hợp với các nguyên tắc của WTO, và không có hại đối với các nền kinh tế khác.
Tuyên bố Bogor 1994 đã xác định mục tiêu của APEC là: thực hiện tự do hoá thương mại và đầu tư tại Châu Á- Thái Bình Dương đối với các nền kinh tế phát triển vào năm 2010 và đối với các nền kinh tế đang phát triển là 2020.
Bốn nguyên tắc hoạt động
- Nguyên tắc 1: Hoạt động trên cơ sở hợp tác cùng có lợi giữa các thành viên. APEC là một tổ chức có sự đa dạng về chính trị, văn hoá, kinh tế giữa các thành viên nên quá trình hợp tác phải bảo đảm được tất cả các nền kinh tế APEC đều có lợi, bất kể sự chênh lệch mức độ phát triển.
- Nguyên tắc 2: Sự đồng thuận. Nguyên tắc này thể hiện tất cả các cam kết của APEC phải dựa trên sự nhất trí của các thành viên.
- Nguyên tắc 3: Hoạt động trên cơ sở tự nguyện của các thành viên. Tất cả các cam kết của mỗi thành viên APEC đều dựa trên cơ sở tự nguyện. Mọi chương trình tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại của APEC đều phải do các nước tự nguyện đưa ra thay vì diễn ra trên bàn đàm phán.
- Nguyên tắc 4: Phù hợp với nguyên tắc của WTO/GATT. Nhằm thực hiện mục tiêu chung, APEC cam kết thực hiện chế độ thương mại đa phương của WTO và không phải là một liên minh thuế quan, một Khu vực Tự do thương mại như NAFTA, AFTA.
Những thành tựu phát triển của APEC
Với vai trò là Diễn đàn phát triển năng động nhất trên thế giới, APEC ngày càng tỏ rõ sức sống và sự phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy mở cửa và hợp tác về kinh tế – thương mại giữa các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương và hình thành cơ chế kinh tế mở trên toàn cầu. Cho đến nay, APEC đã đạt được những thành tựu quan trọng góp phần phát triển nền kinh tế khu vực nói riêng và thế giới nói chung.
- Giai đoạn 1989 – 2010, giảm mức thuế trung bình từ 16,9% xuống còn 5,8%, thương mại giữa các thành viên tăng từ 1,7 nghìn tỷ USD lên 9,9 nghìn tỷ USD. Tổng giá trị thương mại tăng từ 3,1 nghìn tỷ USD lên đến 16,8 nghìn tỷ USD.
- Thúc đẩy hợp tác hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) và góp phần thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương.
- APEC là Diễn đàn hợp tác đa phương đầu tiên trên thế giới đạt thỏa thuận về Danh mục chung về hàng hóa môi trường (năm 2015, với 54 mặt hàng môi trường giảm thuế ở mức 5% trở xuống)
- Qua 2 lần cắt giảm vào các năm 2006 và năm 2010, chi phí giao dịch thương mại trong khu vực giảm đáng kể (khoảng 5%).
- Kế hoạch hành động về Thuận lợi hoá kinh doanh được đưa vào triển khai (mục tiêu đưa hoạt động kinh doanh rẻ hơn, nhanh hơn và đơn giản hơn 25% trước năm 2015), Cơ chế một cửa, Kế hoạch hành động Thuận lợi hóa đầu tư APEC, Thẻ đi lại doanh nhân (ABTC), Chiến lược mới về cải cách cơ cấu, mục tiêu giảm 10% chi phí giao dịch kinh doanh vào năm 2015 thông qua cải thiện chuỗi cung ứng…
- Các hoạt động của ECOTECH (Hợp tác kinh tế – kỹ thuật) nhằm xây dựng năng lực và kỹ năng cho các thành viên APEC trên cấp độ cá nhân và thể chế, khuyến khích các nước thành viên tham gia đầy đủ và tích cực vào kinh tế khu vực.
- Từ năm 1993, khoảng 1600 dự án đã được triển khai trên các lĩnh vực, trong đó có liên kết kinh tế khu vực, an ninh con người, cải cách cơ cấu…
- Hỗ trợ cho khoảng 150 dự án mỗi năm với tổng giá trị lên đến 23 triệu USD.
- Hình thành mạng lưới 46 Trung tâm cơ hội số APEC (ADOC) hoạt động tại 10 nền kinh tế thành viên.
Việt Nam gia nhập APEC
Hơn hai mươi năm trước, ngày 14/11 /1998, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế thế giới Châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Trải qua 20 năm gia nhập và hoạt động, Việt Nam dã để lại những dấu mốc quan trọng và chứng tỏ vị thế của mình tại Diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới này.
Việc gia nhập APEC là cơ sở và bước tiến quan trọng cho trong quá trình hội nhập của Việt Nam trên trường quốc tế. Làm bàn đạp để nước ta đạt được các Hiệp định, gia nhập các tổ chức quan trong trên thế giới như: ký kết Hiệp định thương mại song phương với Mỹ năm 2000, gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm 2007, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP),… APEC cũng là nơi Việt Nam đạt được nhiều thoả thuận quan trọng trong quan hệ song phương, đặc biệt với các cường quốc thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật.
Năm 2017, Việt Nam được các thành viên APEC tín nhiệm đăng cai tổ chức Hội nghị APEC, tiếp tục thể hiện vai trò là một thành viên tích cực chia sẻ trách nhiệm, góp phần vào phát triển mục tiêu tự do hoá thương mại, thể hiện vai trò tiên phong của APEC, tạo động lực mới để xây dựng một châu Á- Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và phát triển bền vững. Đồng thời việc tham gia APEC mang lại cơ hội đưa mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước thành viên APEC lên một tầm cao mới với chiều sâu và hiệu quả hơn nữa.
APEC mở rộng hợp tác trong các nội dung phi kinh tế tạo diễn đàn quan trọng để Việt Nam chung sức, góp phần giải quyết các thách thức của khu vực và thế giới, đặc biệt là đối phó với các nguy cơ khủng bố, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực, v.v…