Bạn là doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh có nhu cầu về bảo lãnh ngân hàng để đảm bảo cho giao dịch của mình, hay bạn là một người sinh viên mới ra trường đang cần chuẩn bị một số kiến thức thực tế cho việc đi phỏng vấn vào lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, bạn lại đang rất mơ hồ về khái niệm bảo lãnh ngân hàng , Bstyle.vn sẽ giúp cho các bạn hiểu một cách đơn giản nhất về bảo lãnh ngân hàng trong bài viết dưới đây.
Bảo lãnh ngân hàng là gì?
Bảo lãnh ngân hàng (tiếng Anh: Bank guarantee) là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên bảo lãnh cam kết bằng văn bản với bên nhận bảo lãnh (bên thụ hưởng) sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh; bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh theo thỏa thuận.
Trong đó bên bảo lãnh là ngân hàng còn bên nhận bảo lãnh (bên thụ hưởng) và bên được bảo lãnh được hiểu đơn giản là người cung cấp hàng hóa dịch vụ (bên bán) và người sử dụng hàng hóa dịch vụ (bên mua), tùy từng loại bảo lãnh thì người bán và người mua sẽ đóng vai trò là bên nhận bảo lãnh (bên thụ hưởng) hoặc bên được bảo lãnh.
Về bản chất các ngành nghề thương mại, xây dựng hay dịch vụ đều tồn tại người mua và người bán, bảo lãnh được hình thành để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên trong quá trình giao dịch.

Ví dụ về bảo lãnh ngân hàng
Khách hàng A kí kết hợp đồng thực hiện dự án cung cấp thiết bị điện tử cho Công trình Tòa nhà Quốc Hội với bên B là chủ đầu tư thi công công trình này, trong quá trình thực hiện để đảm khách hàng A thực hiện đầy đủ hợp đồng theo thỏa thuận giữa hai bên, bên B yêu cầu bên A cần có bảo lãnh tại một ngân hàng uy tín để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng này trong tối thiếu là thời gian quy định trong hợp đồng.
Khách hàng A gửi thông tin về hợp đồng và yêu cầu về bảo lãnh này cho ngân hàng mình đang có giao dịch tín dụng là Techcombank. Trên cơ sở thông tin hợp đồng giữa khách hàng A và bên B, Techcombank tiến hành thẩm định và thực hiện phát hành 01 bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho khách hàng .
Trong bảo lãnh sẽ ghi thông tin các bên được bảo lãnh (khách hàng A) và bên nhận bảo lãnh (bên B); bảo lãnh đảm bảo việc thực hiện nội dung công việc gì, hợp đồng nào; giá trị bảo lãnh là bao nhiêu; thời gian bảo lãnh; trường hợp khách hàng A không thực hiện được theo công việc quy định trong hợp đồng mà ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thì bên B phải xuất trình hồ sơ gì cho ngân hàng và cuối cùng là các quy định pháp luật làm căn cứ đảm bảo trong quá trình tranh chấp xảy ra.
Tại thời điểm phát hành bảo lãnh, khách hàng sẽ phải chịu một khoản phí, là chí phí tối thiểu đảm bảo hoạt động trong trường hợp ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng.
Như vậy, bảo lãnh cũng là một sản phẩm tín dụng của ngân hàng, nó không chỉ gây rủi ro cho ngân hàng mà còn có thể gây rủi ro cho bất kì bên nào nếu chúng ta không hiểu rõ các thông tin cơ bản cần thiết. Vậy để hiểu rõ hơn, chúng ta cùng tiếp tục tìm hiểu thêm các thông tin về bảo lãnh ngân hàng
Phân loại bảo lãnh ngân hàng
Dựa vào các tiêu chí ta có thể phân loại bảo lãnh thành các loại bảo lãnh khác nhau tuy nhiên, trong bài viết này, tôi đã phân loại theo mục đích bảo lãnh, theo hình thức phát hành do đây là các cách phân loại đảm bảo được các loại bảo lãnh thường gặp và cơ bản nhất đối với các khách hàng có nhu cầu làm bảo lãnh tại ngân hàng.
Phân loại theo mục đích bảo lãnh
Với cách phân loại theo mục đích bảo lãnh chính là đi theo thứ tự từ khi doanh nghiệp tham gia dự thầu, trúng thầu thực hiện cho đến khi hoàn thiện một dự án. (dự án ở đây có thể được hiểu là việc cung cấp mua bán hàng hóa, thi công công trình xây dựng, cung cấp lắp đặt các thiết bị…tùy theo từng ngành nghề sẽ là việc mua bán kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ theo ngành nghề đó)
Bảo lãnh dự thầu
- Là bảo lãnh đảm bảo cho việc người được bảo lãnh sẽ không từ bỏ việc tham gia dự thầu hoặc không kí kết hợp đồng khi đã trúng thầu việc thực hiện toàn bộ hoặc một phần dự án của bên nhận bảo lãnh.
- Bảo lãnh này xuất hiện trong trường hợp doanh nghiệp (khách hàng của ngân hàng) có nhu cầu đi dự thầu để cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các dự án của các chủ đầu tư, bên mời thầu chủ yếu là các chủ đầu tư là các cơ quan tổ chức nhà nước, dự án có nguồn vốn mang tính chất nhà nước, hoặc các chủ đầu tư là các tập đoàn lớn, công ty con, công ty thành viên của các tập đoàn đó.
- Hiện nay, đa số các dự án có chủ đầu tư hoặc nguồn vốn như vậy đều yêu cầu các đơn vị dự thầu cần có bảo lãnh dự thầu. Với một số dự án tư nhân hoặc nhỏ lẻ thì không yêu cầu có loại bảo lãnh này.
- Trong bảo lãnh này thì doanh nghiệp tham gia dự thầu sau này sẽ là người cung cấp hàng hóa, dịch vụ khi trúng thầu là bên được bảo lãnh còn chủ đầu tư, tổng thầu hoặc bên mời thầu (đại diện thông báo và làm các thủ tục mời thầu thay cho chủ đầu tư) là bên nhận bảo lãnh (bên thụ hưởng bảo lãnh)
Bảo lãnh thực hiện hợp đồng
- Là bảo lãnh do ngân hàng phát hành để đảm bảo việc bên được bảo lãnh thực hiện đúng đủ các nghĩa vụ đã ký kết trong hợp đồng với bên nhận bảo lãnh. Trong trường hợp bên được bảo lãnh thực hiện không đúng, đủ các nghĩa vụ ký kết trong hợp đồng kèm theo các hồ sơ chứng minh việc đó quy định trong nội dung bảo lãnh ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh.
- Bảo lãnh này thường xuất hiện sau khi doanh nghiệp (người cung cấp dịch vụ) đã trúng thầu, hoặc đã thỏa thuận được việc thực hiện dự án cho chủ đầu tư, tổng thầu…Hai bên cụ thể là bên mua và bên bán sẽ tiến hành kí hợp đồng với các điều khoản cụ thể về các phần việc từng bên phải thực hiện bao gồm thông tin, nội dung công việc, thời gian thực hiện, điều khoản thanh toán, nghĩa vụ bảo hành…
- Nội dung quy định về bảo lãnh thực hiện hợp đồng thường sẽ được ghi trong điều khoản thanh toán hoặc trong phần nội dung công việc. Giá trị bảo lãnh thường là từ 5-10% giá trị hợp đồng, bảo lãnh có ý nghĩa đảm bảo việc thực hiện hợp đồng của bên được bảo lãnh vì vậy thời gian bảo lãnh thông thường tối thiểu tương đương với thời gian thực hiện hợp đồng.
- Trong bảo lãnh này thì đối tượng bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh tương tự như bảo lãnh dự thầu đã được nói đến ở phần trên.
Bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước (bảo lãnh tạm ứng)
- Bảo lãnh này đảm bảo cho việc tiền tạm ứng của bên mua (chủ đầu tư, tổng thầu…) được bên bán sử dụng đúng mục đích cho việc thực hiện dự án, hợp đồng mà hai bên đã thỏa thuận. Trong trường hợp người bán sử dụng sai mục đích không đúng cho dự án, hợp đồng đã thỏa thuận mà không hoàn trả lại được số tiền tạm ứng đó cho người mua thì ngân hàng sẽ làm thay nghĩa vụ này.
- Tương tự như bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh này hình thành trong quá trình hai bên mua và bán thực hiện hợp đồng, nó thường được quy định tại phần điều khoản thanh toán của hợp đồng.
- Đối với bảo lãnh này, giá trị nghĩa vụ tương đối lớn thường từ 30-50% giá trị hợp đồng, vì vậy bên bán nên thỏa thuận với bên mua về thời gian bảo lãnh tương đương với thời gian thực hiện hợp đồng hoặc đến khi hai bên đã hoàn thành việc thực hiện hợp đồng kèm theo hồ sơ chứng minh.
- Điều này có thể giảm bớt rủi ro và chi phí cho bên người bán do có thể thời gian thực hiện hợp đồng thực tế được rút ngắn hơn so với quy định, đến thời điểm thực hiện xong bên người bán sẽ không còn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với bên người mua và phí bảo lãnh cũng có thể sẽ giảm do thời gian tính phí rút ngắn lại.
Bảo lãnh thanh toán
- Với các bảo lãnh trên bên được bảo lãnh đóng vai trò là bên bán và bên nhận bảo lãnh (bên thụ hưởng bảo lãnh) đóng vai trò là bên mua thì bảo lãnh này lại ngược lại.
- Ngân hàng thực hiện bảo lãnh cho bên mua trong trường hợp mua hàng mà không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo quy định của hợp đồng thì ngân hàng sẽ thực hiện thay.
- Bảo lãnh phát sinh trong quá trình doanh nghiệp (khách hàng của ngân hàng) cần mua hàng hóa, hoặc thuê bên thứ ba làm đầu vào cung cấp dịch vụ hàng hóa để thực hiện công việc của mình trong hợp đồng đã kí kết với chủ đầu tư, tổng thầu…đã được nhắc đến trong các loại bảo lãnh trên.
- Ngoài ra, bảo lãnh này có đặc điểm khác với các loại bảo lãnh còn lại là trong trường hợp hết hạn bảo lãnh, người mua phải thanh toán cho bên bán mà bên mua chưa có đủ năng lực tài chính thanh toán bằng vốn tự có thì ngân hàng hoàn toàn có thể tài trợ cho doanh nghiệp đó vay để thanh toán như một khoản vay thanh toán mua hàng hóa thông thường.
- Với trường hợp vay như vậy không phải là ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ thay doanh nghiệp mà doanh nghiệp vẫn đang đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của mình với người bán hàng nhưng với vốn vay từ ngân hàng, việc vay vốn này hoàn toàn là phù hợp trong trường hợp thời gian thanh toán từ đầu ra (chủ đầu tư, tổng thầu dự án…) của doanh nghiệp dài hơn so với thời gian thanh toán cho đầu vào (bên bán hàng hóa cho doanh nghiệp để thực hiện dự án). Thời gian vay vốn thông thường đã được ngân hàng thẩm định phụ thuộc vào vòng quay vốn và thỏa thuận với doanh nghiệp (khách hàng của ngân hàng).
Bảo lãnh bảo hành
- Là bảo lãnh đảm bảo nghĩa vụ bảo hành cho hàng hóa, dịch vụ mà bên bán đã cung cấp cho bên mua. Trong trường hợp, người bán không đảm bảo việc bảo hành sản phẩm, hàng hóa sau khi đã cung cấp thì ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm thanh toán nghĩa vụ tài chính tương đương với giá trị bảo lãnh mà ngân hàng đã phát hành cho bên người mua.
- Bảo lãnh này thường có giá trị ~ 5-10% giá trị hợp đồng, với thời gian bảo hành theo thỏa thuận giữa bên mua và bên bán.
- Trong bảo lãnh này thì đối tượng bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh tương tự như bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tạm ứng.
Phân loại theo hình thức phát hành bảo lãnh
Bảo lãnh trực tiếp
- Là bảo lãnh được phát hành từ 01 ngân hàng theo yêu cầu trực tiếp của người được bảo lãnh cho bên nhận bảo lãnh.
- Trong đó các bên tham gia vẫn bao gồm bên bảo lãnh (chỉ có 01 ngân hàng là cầu nối giữa bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh), bên nhận bảo lãnh, bên được bảo lãnh.
- Hình thức phát hành bảo lãnh sẽ bao gồm tất cả các loại bảo lãnh được phân loại theo mục đích ở phần trên.
Bảo lãnh gián tiếp
- Là bảo lãnh mà trong đó ngân hàng phát hành bảo lãnh này cho bên nhận bảo lãnh theo chỉ thị của một ngân hàng trung gian phục vụ cho bên được bảo lãnh dựa trên một bảo lãnh khác gọi là bảo lãnh đối ứng.
- Đối với bảo lãnh này vẫn đảm bảo đủ 03 bên được bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh và bên bảo lãnh, tuy nhiên bên bảo lãnh sẽ bao gồm 02 ngân hàng là ngân hàng phát hành và ngân hàng trung gian.
- Bảo lãnh này thường xuất hiện khi bên nhận bảo lãnh (bên thụ hưởng) không tin tưởng vào tiềm lực tài chính, uy tín của ngân hàng của bên được bảo lãnh hoặc mong muốn ngân hàng phát hành bảo lãnh là các ngân hàng quốc tế (thường phát sinh khi người nhận bảo lãnh là tổ chức nước ngoài, hoặc mang yếu tố nước ngoài).
- Khi đó, người nhận bảo lãnh sẽ chỉ định 01 ngân hàng để làm bảo lãnh (sau đây gọi là “ngân hàng phát hành”) cho bên được bảo lãnh, tuy nhiên, không phải lúc nào người được bảo lãnh cũng có thể làm bảo lãnh trực tiếp tại ngân hàng đó, họ vẫn có thể sử dụng ngân hàng hiện tại đang sử dụng. Lúc đó, ngân hàng của người được bảo lãnh (sau đây gọi là “ngân hàng trung gian”) sẽ phát hành 01 bảo lãnh đối ứng sang cho ngân hàng phát hành, căn cứ vào bảo lãnh đối ứng ngân hàng phát hành sẽ phát hành bảo lãnh cho bên nhận bảo lãnh.
- Ngân hàng phát hành sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi bên nhận bảo lãnh xuất trình được đầy đủ hồ sơ chứng minh phù hợp với yêu cầu và trong thời hạn bảo lãnh. Ngân hàng trung gian sẽ bồi hoàn cho ngân hàng phát hành trong trường hợp này.
- Trong bảo lãnh gián tiếp thì bên nhận bảo lãnh hoàn toàn không có quyền yêu cầu ngân hàng trung gian thanh toán bảo lãnh. Giữa ngân hàng trung gian và người thụ hưởng hoàn toàn không có quan hệ gì hay nói cách khác ngân hàng trung gian không có nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận bảo lãnh. Tương tự như vậy thì ngân hàng phát hành bảo lãnh hoàn toàn không có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh bồi hoàn. Chỉ có trung gian mới có nghĩa vụ bồi hoàn cho ngân hàng phát hành theo bảo lãnh đối ứng.
Như vậy, có nhiều loại bảo lãnh đều đã được định nghĩa và được sử dụng trong các trường hợp nhất định, trong quá trình sử dụng chúng có thể gây ra một số rủi ro cho các bên tham gia.
Nhiều loại bảo lãnh như vậy có gây ra khó khăn gì trong quy trình, thủ tục phát hành hay không, chúng ta cùng tiếp tục tìm hiểu trong phần tiếp theo.
Quy trình và thủ tục bảo lãnh ngân hàng
Bước 1: Nhu cầu bảo lãnh phát sinh
Khi thực hiện dự thầu, sau khi trúng thầu ký kết hợp đồng và tiến hành thực hiện dự án,…..đối tác yêu cầu khách hàng thực hiện dự án này cần có các bảo lãnh cần thiết theo từng mục đích cụ thể (các loại bảo lãnh đã được phân loại trong phần trên). Khách hàng thông tin lại nhu cầu và các hồ sơ cần chuẩn bị cho phù hợp vơi ngân hàng đang giao dịch tín dụng.
Bước 2: Khách hàng chuẩn bị hồ sơ cho ngân hàng
Hồ sơ cần chuẩn bị sẽ cơ bản gồm:
- Đề nghị cấp bảo lãnh;
- Hồ sơ pháp lý (đối với khách hàng giao dịch lần đầu hoặc cập nhất nếu có thay đổi với các khách hàng đã giao dịch lâu năm);
- Hồ sơ tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh (bao gồm báo cáo tài chính, hợp đồng mua bán hàng hóa có giá trị lớn, máy móc thiết bị năng lực sản xuất kinh doanh…);
- Hồ sơ mục đích phát hành bảo lãnh lần này có thể là thông báo mời thầu (với bảo lãnh dự thầu); kết quả trúng thầu và hợp đồng kinh tế (với bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng)…
- Hồ sơ tài sản đảm bảo cho bảo lãnh (nếu cần thiết): tùy thuộc vào hình thức đảm bảo cho bảo lãnh như kí quỹ, sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi, bất động sản hay động sản…
Bước 3: Ngân hàng tiến hành thẩm định nhu cầu, năng lực của khách hàng
Sau khi thu thập đủ các hồ sơ cần thiết mà khách hàng cung cấp theo quy định riêng của ngân hàng phát hành bảo lãnh và quy định của ngân hàng nhà nước, ngân hàng sẽ phát hành sẽ tiến hành thẩm định nhu cầu của khách hàng có phù hợp với thực tế hay không và khách hàng có đủ năng lực để thực hiện dự án, có những rủi ro gì nếu ngân hàng phát hành bảo lãnh này.
Trường hợp nhu cầu và năng lực hợp lí để phát hành bảo lãnh, ngân hàng sẽ cân đối sao cho tài sản đảm bảo cho bảo lãnh là phù hợp nhất để tránh rủi ro tối thiểu cho ngân hàng trong trường hợp cần thực hiện nghĩa vụ.
Sau khi đi đến thỏa thuận thống nhất, ngân hàng và khách hàng tiến hành kí kết hợp đồng cấp bảo lãnh và phát hành thư bảo lãnh.
Bước 4: Ngân hàng gửi thông báo bảo lãnh sang bên nhận bảo lãnh (bên thụ hưởng)
Nội dung thư bảo lãnh sẽ bao gồm các nội dung cơ bản như ví dụ trên.
Bước 5: Trong trường hợp xảy ra vi phạm của bên được bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh mà có các hồ sơ cung cấp đầy đủ theo nội dung thư bảo lãnh và đúng theo quy định pháp luật, ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ đã bảo lãnh.
Trường hợp này, ngân hàng có thể tự động hạch toán nợ vay bắt buộc đối với số tiền trả nợ nay theo lãi suất quá hạn; đồng thời, bên được bảo lãnh có thể phải đối mặt với thông tin nợ quá hạn được ghi nhận trên hệ thống tra cứu của ngân hàng nhà nước.
Bước 6: Ngân hàng cần yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân hàng (trả gốc, lãi, phí…).
Trong trường hợp, bên được bảo lãnh vi phạm không hợp tác, ngân hàng hoàn toàn có thể sử dụng các biện pháp như trích tiền từ tài khoản khách hàng, phát mại tài sản hay nghiệm trọng hơn là khởi kiện…
Chi phí bảo lãnh ngân hàng
Đây là phần khá được chú ý với bên được bảo lãnh và bên bảo lãnh.
Đối với bên được bảo lãnh là bên phải trả phí này cho bên bảo lãnh (ngân hàng).
Đối với bên bảo lãnh thì lại cần thu phí sao cho phù hợp với quy định và phù hợp với từng nhóm khách hàng để có mức cạnh tranh nhất trên thị trường.
Phí bảo lãnh được tính cụ thể theo công thức như sau:
Phí bảo lãnh = Số tiền bảo lãnh * tỷ lệ phí* thời gian bảo lãnh
Trong đó:
Số tiền bảo lãnh là giá trị ngân hàng cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp không thực hiện đúng quy định hợp đồng.
Tỷ lệ phí: được quy định cụ thể với từng loại bảo lãnh, từng ngân hàng.
Ngoài ra tỷ lệ này cũng được căn cứ theo năng lực của khách hàng, chủ đầu tư dự án, dự án để đưa ra tỷ lệ phù hợp với quy định. Vì vậy, một số ngân hàng thường có các chính sách ưu đãi với tỷ lệ phí thấp áp dụng cho các khách hàng có giao dịch lớn và kinh nghiệm lâu năm.
Thời gian bảo lãnh: là thời gian mà ngân hàng cam kết trong thời gian đó, nếu bên được bảo lãnh không làm đúng theo thỏa thuận với bên nhận bảo lãnh trong phạm vi bảo lãnh thì ngân hàng sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính trong thời gian đó với các hồ sơ đầy đủ và phù hợp theo quy định.
Ví dụ, với bảo lãnh thực hiện hợp đồng, tạm ứng, thời gian bảo lãnh có thể là thời gian hợp đồng, bảo lãnh bảo hành là thời gian bảo hành…
Những lưu ý khi bảo lãnh ngân hàng
Do bảo lãnh ngân hàng không phải là một khoản vay, nên rất nhiều doanh nghiệp hay cá nhân nghĩ rằng chỉ cần phải trả phí phát hành để đảm bảo đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu và sẽ chẳng cần phải thực hiện thêm nghĩa vụ gì nữa những các bạn nên nhớ bảo lãnh là một hình thức cấp tín dụng, nó sẽ mang lại rất nhiều rủi ro với giá trị lớn khi bạn phải thực hiện nghĩa vụ.
Vì vậy, các bên tham gia bảo lãnh nên chú ý như sau:
Bên bảo lãnh
Đảm bảo đầy đủ các quy tắc riêng của ngân hàng và quy tắc chung của ngân hàng nhà nước trong quy trình, hướng dẫn nghiệp vụ bảo lãnh.
Đảm bảo tư vấn đầy đủ cho khách hàng trong quá trình phát hành bảo lãnh về thời hạn, giá trị bảo lãnh sao cho phù hợp với quy định hợp đồng và quy định của ngân hàng, tránh trường hợp rủi ro cho ngân hàng tại thời điểm phải thực hiện nghĩa vụ hoặc thiệt hại cho chính khách hàng của mình.
Bên được bảo lãnh
Tham khảo, thu thập các thông tin cơ bản cần thiết khi yêu cầu phát hành bảo lãnh.
Từ đó, đưa ra các thỏa thuận hợp lí với bên nhận bảo lãnh để đảm bảo phù hợp với quy định và lợi ích của hai bên, tránh các nội dung bảo lãnh không cần thiết nếu đàm phán được với bên nhận bảo lãnh để giảm thiểu rủi ro cho mình.
Bên nhận bảo lãnh
Tham gia thảo luận hợp đồng, yêu cầu bảo lãnh với bên được bảo lãnh để đảm bảo các nội dung phù hợp và đảm bảo quyền lợi cho chính mình.
Bài viết là những thông tin vô cùng cơ bản về bảo lãnh ngân hàng và các chú ý khi cần sử dụng dịch vụ bảo lãnh ngân hàng, rất mong đây sẽ là những thông tin tham khảo vô cùng hữu ích cho các bạn.