Brexit là một sự kiện thu hút sự quan tâm của dự luận thế giới những năm gần đây. Vấn đề này không chỉ gây chấn động trên toàn Vương quốc Anh, mà còn tác động đến nhiều nước trên thế giới. Vậy Brexit là gì? Nguyên nhân dẫn đến Brexit? Những ảnh hưởng của nó đến nước Anh và thế giới như thế nào?
Brexit là gì?
Brexit là cụm từ được ghép bởi hai từ “Britain” và “exit” nhằm ám chỉ hành động rời khỏi Liên minh châu Âu của nước Anh.
Ngày 13/11/2018, một sự kiện quan trọng đã đánh một dấu mốc lớn trong lịch sử đó là nước Anh và Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận sơ bộ về việc Anh rời khỏi EU sau hai năm đàm phán căng thẳng. Mặc dù chỉ là thỏa thuận sơ bộ và vẫn còn những rào cản cho tới thỏa thuận cuối cùng nhưng đây được xem là dấu hiệu tích cực cho những động thái tiếp theo của đôi bên.
Cụm từ Brexit được sử dụng tương tự như Grexit được dùng để nói về khả năng Hy lạp (Greece) rời khỏi liên minh châu Âu EU trước đây.
Nguyên nhân nào dẫn đến Brexit?
Sau 45 năm “chung sống” (từ 1973-2018), Anh đề xuất rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Đây là một sự kiện mang tầm ảnh hưởng lớn đến lịch sử của xứ sở sương mù nói riêng và toàn thế giới nói chung. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến quyết định Brexit của Anh?
Cuộc khủng hoảng dân nhập cư
Trước làn sóng nhập cư ngày càng lớn, người dân Anh lo ngại không gian văn hóa của họ sẽ bị xáo trộn khi mà họ phải tiếp nhận những trào lưu văn hóa mới của những người dân nhập cư. Phảng phất trong đó còn có nỗi lo về sự lan truyền của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan thông qua nhóm dân nhập cư khiến cho tình hình an ninh trở nên bất ổn.
Kết quả của các cuộc khảo sát cho thấy, sự bất mãn về cuộc khủng hoảng nhập cư đã khiến nhân dân Anh bỏ phiết ủng hộ Brexit. Dân nhập cư ngày càng nhiều khiến cho sự giận dữ của công chúng ngày càng lớn mạnh khi mà những chính sách thất bại của nhà nước trong việc hạn chế nhập cư đã làm tăng sức ép về thị trường và các dịch vụ công.
Nội chính bất ổn
Các nghị sĩ thứ yếu trong đản Bảo thủ của Anh vẫn luôn mang những hoài nghi về châu Âu (Eurosceptic), chẳng hạn như muốn rút khỏi EPP trong nghị viện châu Âu. Trong khi đó, Thủ tướng Cameron vẫn luôn tìm cách làm hài lòng những cánh hữu này nhưng mọi thứ không bao giờ là đủ đối với những nghị sĩ trong đảng bảo thủ.
Năm 2010, số lượng thành viên Eurosceptic trong đảng Bảo thủ của Thủ tướng Cameron chiếm đa số, họ bắt đầu gây sức ép với ông để tổ chức cuộc trưng cầu dân ý và rắc rối bắt đầu từ đây.
Sau hàng loạt những diễn biến trong “cuộc đấu tranh ngầm” với những thành viên Eurosceptic, ông Cameron phải cam kết về việc sẽ tổ chức trưng cầu dân ý cho Brexit vào cuối năm 2017. Sau tái đắc cử vào năm 2015, lời hứa tổ chức cuộc trưng cầu dân ý của ông Cameron không còn đường thoái thác.
Đảng Độc lập Anh (UKIP) trỗi dậy
Tháng 1/2013, đảng UKIP giành được 1/4 số phiếu bầu trong cuộc bầu cử địa phương tại Anh. Những lo ngại rằng một số nghị sĩ đảng Bảo thủ có thể “đào tẩu” sang UKIP buộc ông Cameron phải thực hiện lời hứa tổ chức cuộc trưng cầu dân ý của mình.
Năm 2015, đảng UKIP và thủ lĩnh Nigel Farage giành thêm được hàng triệu phiếu bầu trong cuộc bầu cử. Đặc biệt, trong số phiếu này có nhiều phiếu của những người từng ủng hộ cho Công đảng hoặc đảng Bảo thủ. Sau thành công này, việc Farage liên tục xuất hiện trên truyền thông đã góp phần quan trọng vào công cuộc phản đối dân nhập cư và dọn đường cho chiến dịch vận động Brexit thành công.
Những nguyên nhân khác dẫn đến Brexit
EU đe dọa chủ quyền của Anh khi mà một loại hiệp ước của EU đã chuyển một lượng quyền lực lớn từ các nước thành viên sang cơ quan trung ương của EU ở Brussels (Bỉ).
Anh bất mãn với nhiều quy định của EU như trẻ em dưới 8 tuổi không được thổi bóng bay, hạn chế về công suất của máy hút bụi, quy định mức hạn ngạch đánh bắt cá,…
Sau khi rời khỏi EU, Anh có thể được tự do đánh thuế, tự do làm luật, tự do quyết định chính sách nhập cư, không phải phụ thuộc vào các quyết định của Ủy ban châu Âu, Tòa án Anh sẽ được khôi phục quyền lực,….
Ảnh hưởng của Brexit đến nước Anh và thế giới
Brexit ảnh hưởng đến nước Anh như thế nào?
Kinh tế: khi Brexit đạt được thỏa thuận cuối cùng cũng là lúc mở ra mộ thời kì bất định cho kinh tế nước Anh đối với các mối quan hệ với châu Âu trong tương lai. Anh vẫn sẽ chịu các tác động và ảnh hưởng chung của nền kinh tế châu Âu nhưng lại không còn có vị thế lớn trên các bàn đàm phán chung và không đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định các vấn đề mang tầm ảnh hưởng.
Người dân Anh sẽ phải chịu mức thuế mà vốn trước nay họ vẫn được hỗ trợ khi còn trong Liên minh châu Âu EU. Anh sẽ phải tự xoay sở khi rời khỏi ngôi nhà chung EU, kinh tế nước Anh dự kiến có thể sẽ tuột dốc trong vòng 5 năm tới. Anh có thể phải chịu tổn thất lên đến 100 tỷ bảng (khoảng 5% GDP), đồng bảng mất giá 20%, thất thu về thương mại và tài chính, hàng triệu người mất việc làm do các doanh nghiệp rời khỏi Anh,…
Chính trị – Xã hội: Brexit khiến cho nước Anh bị chia rẽ sâu sắc. Điều này được thể hiện rõ nhất thông qua kết quả của cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6/2016 với 52% ủng hộ Brexit và 48% phản đối. Sự đối lập ý kiến trong việc rời khỏi EU đã gây ra sự chia rẽ mạnh trong xã hội Anh.
Brexit gây chia rẽ ngay cả trong Chính phủ và Quốc hội Anh khi mà Thượng viện Anh thì đồng ý Brexit còn Hạ viện Anh lại có nhiều ý kiến phản đối Brexit.
Sự chia rẽ cũng thể hiện qua các nhóm lợi ích trong xã hội Anh. Cụ thể, nhóm hưởng lợi từ các chính sách toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế quyết tâm đấu tranh phản đối Brexit, còn các nhóm lợi ích được hưởng lợi từ chủ nghĩa biệt lập, các chính sách đi theo chủ nghĩa dân túy rất ủng hộ Brexit.
Quân sự – Đối ngoại: Anh sẽ không còn là đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực châu Âu. Người ta lo ngại tầm ảnh hưởng của quân sự Anh có thể bị tổn hại.
Brexit ảnh hưởng lớn nhất đến EU do kinh tế nước Anh chiếm 1/6 GDP của EU và thị trường Anh chiếm tới 10% kim ngạch xuất khẩu của EU. Khi Brexit xảy ra, kinh tế của EU giảm đáng kể về quy mô, thương mại Anh với các nước trong EU sụt giảm do rào cản thương mại tăng. Kinh tế của các nước còn lại trong EU.
Brexit là dấu hiệu của một EU đang “hấp hối” và rất có thể sẽ tạo ra tiền lệ xấu với các nước thành viên đang có ý định rời khỏi EU khiến liên minh này tan rã. Nếu EU tan rã, kinh tế toàn cầu sẽ chịu tác động nghiêm trọng, nguy cơ về một cơn khủng hoảng mới với mức độ tàn phá mạnh có thể sẽ nhấn chìm nền kinh tế thế giới.
Đối với EU, Brexit là cú giáng mạnh dẫn đến sự thay đổi lớn không chỉ về kinh tế mà còn là một cuộc cách mạng về chiến lược và địa chính trị của liên minh kinh tế chính trị lớn nhất thế giới hiện nay với gần nửa tỷ người.
Ảnh hưởng của Brexit đối với thế giới
Ảnh hưởng của Brexit với các nền kinh tế lớn trên thế giới
Nổi bật nhất là kinh tế Hoa Kỳ, quan hệ thương mại và đầu tư với Anh sẽ khiến cho quốc gia này với sẽ chịu nhiều thiệt hại từ sau Brexit. Anh là đối tác thương mại lớn hàng đầu của Hoa Kỳ ở châu Âu nên khi Anh tách khỏi EU, khả năng tiếp cận thị trường EU của Hoa Kỳ sẽ giảm, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp Hoa Kỳ giảm buộc họ phải rời Anh sang các nước EU khác.
Đối với Nhật Bản, Brexit tác động tiêu cực tới các nguồn đầu tư của Nhật tại Anh. Hậu Brexit khiến đồng yên tăng giá mạnh, gây tác động lớn đến nền kinh tế Nhật Bản và ảnh hưởng đến các chính sách cải tổ nền kinh tế của chính phủ nước này.
Đối với Trung Quốc, quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc rất lớn, do vậy, nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của nước này ít nhiều sẽ chịu những ảnh hưởng ngắn hạn từ những Brexit khi mà thị trường EU đang chao đảo, kém ổn định.
Ảnh hưởng của Brexit với Việt Nam
Khi Anh rời khỏi EU, chính sách thuế quan của EU có thể được điều chỉnh làm ảnh hưởng đến Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA).
Quan hệ thương mại của Việt – Anh có thể bị ảnh hưởng do chính sách thương mại và thuế quan của Anh sẽ thay đổi hậu Brexit.
Có nhiều cơ hội hơn cho thương mại và ngoại giao đối với EU do Eu cần lấp chỗ trống mà Anh để lại sau Brexit.
Kim ngạch xuất khẩu của nước ta sẽ bị ảnh hưởng do EU là thị trường rất quan trọng của Việt Nam mà hậu Brexit, thị trường này lại đang gánh chịu những biến đổi lớn về quy mô, sức ổn định.