Việc nâng cao ý thức của người dân về rửa tiền và cách phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, đối với nhiều người, rửa tiền là gì vẫn còn đang là một khái niệm rất xa lạ.
Trong bài viết này, hãy cùng Bstyle.vn tìm hiểu về rửa tiền và thực trạng rửa tiền ở nước ta hiện nay.
Rửa tiền là gì?
Rửa tiền là hành vi của cá nhân hay tổ chức tìm cách chuyển đổi các khoản lợi nhuận hoặc tài sản khác có được từ hành vi phạm tội hoặc tham nhũng trở thành các tài sản được coi là hợp pháp.
Các tổ chức tội phạm và cá nhân tham nhũng luôn có nhu cầu che giấu nguồn gốc của khoản tiền thu được từ những hoạt động bất hợp pháp. Rửa tiền giúp cho việc sử dụng an toàn những khoản tiền thu được mà không bị nghi ngờ. Sau khi đã rửa tiền, tiền có thể được sử dụng một cách bình thường để tích lũy tài sản, chẳng hạn như mua lại bất động sản, hoặc dùng cho chi tiêu khác.
Rửa tiền không phải là một hiện tượng mới. Nó đã được thực hiện từ rất lâu đời với nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, hoạt động này đã bùng nổ với toàn cầu hóa, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội, đặc biệt ở các nước đang phát triển hoặc chuyển tiếp.
Rửa tiền là một hành vi vi phạm nghiêm trọng về đạo đức và pháp luật hiện hành.
Quy trình rửa tiền
Rửa tiền diễn ra như thế nào?
Quy trình rửa tiền diễn ra khá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Các hoạt động rửa tiền hiện nay cũng rất đa dạng. Tội phạm có thể đầu tư vào một dự án hay góp vốn vào một doanh nghiệp để tìm cách khác che đậy nguồn tiền của mình. Các hoạt động này làm ngụy trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất thật sự của nguồn tiền phi pháp.
Tiền bẩn có thể từ các doanh nghiệp làm ăn công khai, chẳng hạn khi họ chuyển tiền từ nước này sang nước khác để tránh thuế. Có hai phương pháp để làm việc này. Một là khai gian giá trị những dịch vụ mà bản chất là hợp pháp. Hai là khai (như trong hóa đơn) một dịch vụ hoàn toàn không có (kể cả việc lập công ty ma). Trong các nguồn tiền cần rửa thì có lẽ nguồn kinh doanh là phản ánh tính toàn cầu hóa nhiều nhất, mà một trong những biểu hiện là việc khai man giá chuyển giao (transfer price) để tránh thuế của các công ty xuyên quốc gia.
Rửa tiền có bao nhiêu giai đoạn?
Quy trình rửa tiền hiện nay gồm có 3 giai đoạn. Cụ thể như sau:
Giai đoạn sắp xếp (placement)
Tội phạm tìm cách đưa các khoản tiền có nguồn gốc từ hành vi phạm tội vào hệ thống tài chính để chuẩn bị thực hiện bước tiếp theo. Giai đoạn này là giai đoạn dễ bị phát hiện nhất trong quy trình rửa tiền.
Giai đoạn phân tán (layering)
Các khoản tiền đã được đưa vào hệ thống tài chính sẽ được chuyển đổi qua lại giữa các tài khoản ngân hàng, các quốc gia, đầu tư dự án, mua bán qua lại… nhằm che giấu nguồn gốc của tài sản.
Giai đoạn quy tụ (integration)
Các khoản tiền chính thức nhập vào nền kinh tế hợp pháp và có thể sử dụng cho tất cả các mục đích.
Nhận rửa tiền?
Các cá nhân có thể đích thân thực hiện những hoạt động rửa tiền. Một số khác thường tham gia vào một dịch vụ ngầm – ngành “công nghiệp” rửa tiền. Đội ngũ của ngành này, chủ chốt là những người rửa tiền chuyên nghiệp, ngày càng được tăng cường với nhiều luật sư cao giá, người giao dịch chứng khoán, mua bán bất động sản, cố vấn thuế vụ, kế toán…
Biến tướng nổi bật nhất của những tổ chức nhận rửa tiền càng ngày nó càng xâm nhập sâu vào nhiều lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề tương đối có uy tín trong xã hội. Có thể kể đến như: Ngân hàng, hiệp hội thể thao, cơ sở văn hóa, thậm chí các cơ quan từ thiện. Qua đó, cách thức và phương tiện rửa tiền ngày càng tinh vi, đa dạng, quy mô hơn.
Nhìn chung, hình thức rửa tiền cũng đang trải qua nhiều thay đổi: ít dựa vào tiền mặt, vào hệ thống ngân hàng… mà sử dụng nhiều hơn các công cụ và thị trường tài chính như chứng khoán hoặc hình thức trao đổi.
Một cách rửa tiền rất tinh vi không thể không kể đến việc sử dụng internet. Những trang web “đen” như trang sex, cờ bạc, cá cược… thường được dùng để rửa tiền vì các cơ quan công lực khó có thể truy ra tiền đó từ đâu đến và vào tay ai.
Thực trạng rửa tiền ở Việt Nam hiện nay
Toàn cầu hóa đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Song nó cũng làm trầm trọng hơn một số tệ nạn. Một trong những hậu quả đáng tiếc ấy là rửa tiền trở nên dễ dàng hơn, do đó khuyến khích những hoạt động phi pháp khác.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng ấy. Thực trạng rửa tiền ở Việt Nam hiện nay cũng ngày một được quan tâm.
Trả lời phỏng vấn trong buổi họp báo về Tình trạng rửa tiền ở Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: Việt Nam nhiều năm qua đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, xây dựng và hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, vận dụng chuẩn mực quốc tế, thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị và cam kết quốc tế để ngăn chặn hành rửa tiền. Chính phủ nhận thức rõ tác động xấu từ các hành vi này đến kinh tế – xã hội.
Hiện tại, Việt Nam có đầy đủ khuôn khổ pháp lý về phòng chống rửa tiền. Hoạt động này là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm và xử lý nghiêm khắc theo Bộ Luật Hình sự. Năm 2012, Quốc hội Việt Nam ban hành Luật phòng, chống rửa tiền. Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo về Phòng, chống rửa tiền và ban hành các văn bản pháp quy, gồm Nghị định số 116 và Nghị định số 96 hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống rửa tiền và quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền.
Tháng 5/2019, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020, nhằm tăng cường phòng, chống rửa tiền, áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong lĩnh vực này.
Việt Nam cũng đang đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống tài chính – ngân hàng, hiện đại hoá hạ tầng, công nghệ, nâng cao năng lực quản trị để phòng chống tội phạm rửa tiền.
Tội rửa tiền bị xử lý như thế nào?
Ở Việt Nam và trên thế giới đều đã đưa ra những khung pháp lý rất rõ ràng cho tội phạm rửa tiền. Tùy từng tình tiết cụ thể cũng như hậu quả của hành vi rửa tiền. Mà tội rửa tiền được quy định theo chi tiết như sau
Tội rửa tiền đối với cá nhân
Mức hình phạt khởi điểm (thấp nhất) và mức hình phạt tối đa (cao nhất) của Điều 251 BLHS năm 1999 và Điều 324 BLHS năm 2015 là như nhau, đều có mức thấp nhất là từ 01 năm tù và mức cao nhất là 15 năm tù. Cả hai bộ luật đều chỉ quy định 01 loại hình phạt chính đối với Tội rửa tiền đó là hình phạt tù có thời hạn, thể hiện đường lối xử lý nghiêm khắc đối với loại tội phạm này. Ngoài ra, cũng đều quy định về hình phạt bổ sung như phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tuy nhiên, từ khoản 2 thì mức hình phạt khởi điểm của từng khung hình phạt là khác nhau. Theo đó khoản 2 Điều 251 BLHS năm 1999 là từ 03 năm tù đến 10 năm tù, nhưng khoản 2 Điều 324 BLHS năm 2015 lại từ 05 năm tù đến 10 năm tù; khoản 3 Điều 251 BLHS năm 1999 là từ 08 năm tù đến 15 năm tù, khoản 3 Điều 324 BLHS năm 2015 lại từ 10 năm đến 15 năm tù. Như vậy, Điều 324 BLHS năm 2015 không có sự giao thoa (gối đầu) hình phạt giữa các khung hình phạt như Điều 251 BLHS năm 1999.
Ngoài ra, Điều 324 BLHS năm 2015 quy định mức hình phạt áp dụng đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội là từ 06 tháng tù đến 03 năm tù. Đây là quy định hoàn toàn mới so với Điều 251 BLHS năm 1999.
Tội rửa tiền đối với pháp nhân thương mại
Lần đầu tiên Bộ luật hình sự Việt Nam truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, do đó ngoài hình phạt tiền, thì hình phạt chính và hình phạt bổ sung quy định tại khoản 6 Điều 324 BLHS năm 2015 đối với pháp nhân thương mại phạm tội này đều là những hình phạt mới. Cụ thể hình phạt chính gồm phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; hình phạt bổ sung gồm: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính).
Phòng chống rửa tiền là gì?
Phòng chống rửa tiền là những nỗ lực của các cá nhân, tập thể, quốc gia và cả thế giới nhằm hạn chế hành vi và tội phạm rửa tiền.
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10, Quốc hội ban hành Luật phòng, chống rửa tiền với các quy định rất rõ ràng về việc phòng chống rửa tiền.
Việc phòng, chống rửa tiền phải thực hiện theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia; bảo đảm hoạt động bình thường về kinh tế, đầu tư¬; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chống lạm quyền, lợi dụng việc phòng, chống rửa tiền để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Các biện pháp phòng, chống rửa tiền phải được thực hiện đồng bộ, kịp thời; Các hành vi rửa tiền phải được xử lý nghiêm minh.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của toàn dân, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Việt Nam đang đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống tài chính, ngân hàng, hiện đại hóa hạ tầng, cơ sở, nâng cao năng lực quản trị để phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, trong đó có rửa tiền.