Người Nhật được mệnh danh là dân tộc chăm chỉ nhất thế giới. Một trong những bí quyết giúp họ có khả năng làm việc với hiệu suất cao mà vẫn đảm bảo sức khỏe chính là thói quen ngủ gật Inemuri. Từ những doanh nhân thành đạt cho đến những học sinh tích cực ở đất nước này đều coi Inemuri như một thói quen hữu ích.
Nguồn gốc hiện tượng ngủ gật Inemuri
Vào những năm cuối của thập niên 80, nước Nhật đang ở đỉnh điểm của thời kỳ được gọi là Bong bóng kinh tế, một thời kỳ chứa đựng những phồn vinh giả tạo và bùng nổ đầu tư bất thường. Vì thế, đời sống hàng ngày cũng rất bận rộn và họ có rất ít thời gian để ngủ. Đây cũng là lí do hiện tượng ngủ gật trong đám đông, trên tàu điện ngầm, thư viện, xe bus, trong một cuộc họp hay trong lớp học…trở nên rất phổ biến tại Nhật. Cho đến tận bây giờ, hiện tượng này trở thành một “quy tắc văn hóa” của người Nhật và được gọi với cái tên “inemuri”. Tuy nhiên, họ không xem đó là một biểu hiện xấu hay một trò cười. Tại Nhật, nó hàm chứa một niềm tự hào: người Nhật là những người làm việc rất chăm chỉ.
Quan niệm về thói quen Inemuri của người Nhật
Nhà Nhân chủng học Brigitte Steger phát hiện việc ngủ ở nơi công cộng được xã hội Nhật chấp nhận, và kiểu ngủ này tên là inemuri. Từ Inemuri viết theo tiếng Hán bao gồm hai thành tố: “I” nghĩa là “có mặt” và “nemuri” nghĩa là “ngủ”. Người Nhật không coi việc ngủ gật là hành động ngủ thật sự. Không những nó được coi là khác giấc ngủ đêm thông thường, nó còn khác cả giấc ngủ trưa hay giấc ngủ cho lại sức. Hình mẫu tích cực của những con người ham việc, cắt bớt giấc ngủ đêm và chẳng chấp nhận việc dậy muộn, dường như lại khá đối lập với sự khoan dung rất lớn cho thứ gọi là ‘inemuri’.
Việc ngủ gật được người Nhật xem như là việc đầu óc lang thang giữa ban ngày mà thôi, chứ không mang nghĩa xấu. Ngoài ra, ngủ gật còn chứng tỏ là bạn đã làm việc hết sức chăm chỉ vào đêm hôm trước. Cho dù người đó có đang ngủ, họ vẫn có thể thức tỉnh bất cứ lúc nào cần thiết.
Theo người Nhật, tính cần cù được biểu hiện bằng nhiều giờ làm việc và dốc hết sức lực, là một đức tính rất được coi trọng. Một người cố gắng góp mặt trong một buổi họp mặc cho mệt mỏi hay ốm bệnh chứng tỏ sự siêng năng, một ý thức trách nhiệm và sự sẵn sàng hy sinh của họ. Bằng việc vượt qua nhu cầu và yếu kém thể chất, một người sẽ trở nên đức hạnh và có tâm lý kiên định cũng như tràn đầy năng lượng tích cực. Người như vậy được cho là đáng tin cậy và sẽ được thăng chức.
Hơn thế, khiêm tốn cũng là một đức tính được coi trọng. Vì thế, việc tự hào về sự cần cù của chính mình sẽ không được chấp nhận – và nó tạo ra nhu cầu cho những cách thức tinh tế để đạt được sự công nhận của xã hội. Khi mệt mỏi và bệnh tật thường được xem là hệ quả của nỗ lực làm việc và sự siêng năng, thì inemuri – hay kể cả giả vờ inemuri bằng cách nhắm một mắt – cũng được cho là dấu hiệu của một người lao động chăm chỉ nhưng vẫn có đủ sức mạnh và phẩm chất đạo đức cần thiết để kiểm soát bản thân và cảm xúc của mình.
Vì sao người Nhật dễ thích nghi với thói quen Inemuri
Thói quen thoải mái ngủ gật ở nơi công cộng của người Nhật đã được làm quen từ bé thông qua việc ngủ chung với cha mẹ. Ở đa số các nước Châu Âu, cha mẹ thường được khuyên cho con cái ngủ trong phòng riêng để học cách ngủ tự lập, và từ đó thiết lập lịch biểu ngủ cho bé. Trái lại, ở Nhật, cha mẹ và bác sĩ vẫn dứt khoát cho rằng cần ngủ chung với trẻ ít nhất cho đến khi con đến tuổi đi học, và việc đó sẽ giúp trấn an trẻ, giúp trẻ phát triển thành những người lớn độc lập và dễ thích nghi với cộng đồng. Điều này giúp người Nhật có thể ngủ thoải mái giữa nơi đông người, ngay cả khi đã trưởng thành. Rất nhiều người Nhật nói họ thấy ngủ gật ở công ty thoải mái hơn so với khi ngủ một mình ở nhà.
Hiện tượng trên cũng được thấy vào mùa xuân năm 2011, sau thảm họa sóng thần khủng khiếp hủy diệt nhiều thị trấn ven biển của nước Nhật. Những người sống sót phải trú trong các khu lều trại tạm, nơi hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm người phải sống và ngủ trong không gian chung. Dù cũng có nhiều xung đột và vấn đề, nhưng người sống sót mô tả việc chia sẻ không gian ngủ chung với cộng đồng và những giấc ngủ “chớp nhoáng” giúp họ an tâm, thư giãn hơn và lấy lại được giấc ngủ như thông thường để nhanh chóng hồi phục thể trạng.
Giải thích Inemuri theo khoa học xã hội
Ý tưởng của nhà xã hội học Erving Goffman về việc “có tham dự vào các tình huống xã hội” rất hữu ích trong việc giúp chúng ta hiểu được các đặc tính xã hội của giấc ngủ inemuri và các quy tắc xung quanh kiểu ngủ này.
Theo Erving Goffman, bình thường thì chúng ta hoà mình vào những gì diễn ra xung quanh thông qua ngôn ngữ cơ thể và thông qua cách chúng ta diễn đạt bằng lời nói. Tuy nhiên, chúng ta có thể phân tách sự chú tâm của mình đối với những thứ xung quanh thành sự tham dự chủ động và sự tham dự phụ thuộc. Inemuri có thể được coi là sự tham dự phụ thuộc. Nó được chấp nhận nếu như không làm phiền đến mọi thứ xung quanh – tương tự như hành vi mơ màng giữa ban ngày. Tuy nhiên, cách ngủ này cũng phải tuân theo một quy tắc mới được chấp nhận. Cho dù tâm trí người ngủ có thể không ở đó, họ phải có khả năng quay trở lại với tình huống đó khi cần tới những hoạt động đóng góp. Họ cũng phải duy trì sự phù hợp với những sự tham gia quan trọng từ dáng điệu, ngôn ngữ hình thể, cách ăn mặc và những thứ tương tự.
Thực tế, thói quen Inemuri của người Nhật không hẳn cho ta thấy một xu hướng của sự lười biếng mà nó là một đặc tính không hợp thức của đời sống xã hội Nhật Bản nhằm đảm bảo việc thực hiện những nghĩa vụ thường ngày bằng việc đưa ra một cách để có thể tạm thời “đi khỏi” trong khi thực hiện nghĩa vụ. Đây là một thói quen đáng được học hỏi để đạt được hiệu suất công việc cao tại các đất nước khác trên thế giới.