Xuất khẩu gạo được coi là ngành thế mạnh của Việt Nam khi nhiều năm liền, chúng ta luôn đứng hàng đầu trong Top những quốc gia có sản lượng gạo xuất khẩu hàng đầu thế giới (sau Ấn Độ và Thái Lan). Theo số liệu tổng kết cuối năm 2018 cho thấy, ngành xuất khẩu gạo Việt Nam đạt sản lượng trên 6 triệu tấn, mang về 3,03 tỷ USD và tăng 16,1% so với năm 2017. Tuy nhiên, dự báo năm 2019, “ngành thế mạnh” của Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn và thử thách.
Giá gạo giảm, các thị trường lớn đồng loạt giảm, xuất khẩu gạo Việt Nam rơi vào “thế khó”
Vừa qua, tại Hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 do Bộ Công Thương tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, các Đại biểu nhận định: Diễn biến xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 và cả năm 2019 gặp bất lợi. Các thị trường nhập khẩu gạo lớn, truyền thống của Việt Nam như: Trung Quốc, Bangladesh và Indonesia đều đồng loạt giảm. Theo dự báo của các chuyên gia, nhập khẩu cả năm của ba nước này sẽ còn giảm do nhiều lý do khác nhau như ở Trung Quốc tồn kho vụ cũ cao, Indonesia diễn ra bầu cử hay Bangladesh khôi phục sản xuất sau lũ lụt.
Tính đến hết tháng 5/2019, san lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,76 triệu tấn gạo, trị giá 1,18 tỷ USD, giảm 6,3% về lượng và 20,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Đồng thời, giá gạo xuất khẩu trung bình cũng giảm còn khoảng 427,5 USD/tấn (giảm 76,8 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2018).
Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm 2019, thị trường Trung Quốc (vốn được coi là thị trường số 1 của gạo Việt Nam) chỉ nhập từ Việt Nam gần 224 ngàn tấn gạo, trị giá hơn 111,3 triệu USD, giảm gần 74% so với cùng kỳ năm 2018 (theo Bộ Công Thương – Báo cáo của Cục xuất nhập khẩu).
Theo dự báo của báo Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng của các nước sản xuất gạo lớn trên thế giới đều tăng dẫn đến tình trạng cung lớn hơn cầu. Do đó, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam và nhiều nước khác đều khá ảm đạm.
Nếu như năm 2018, thị trường lúa gạo cực kỳ khởi sắc với sản lượng giao dịch thương mại rất lớn kèm theo giá cả ổn định ở mức cao thì đến năm 2019, tình hình lại đi theo xu hướng hoàn toàn ngược lại. Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ cuối năm của ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, năm 2017-2018, các nước trên thế giới đều tích cực lấp đầy kho dự trữ của mình để đảm bảo an ninh lương thực nên đầu 2019 sẽ khó khăn bởi cung nhiều hơn cầu. Ngành gạo Việt xuất khẩu – thế mạnh đem về tỷ USD sẽ chịu áp lực chưa từng có khi các nước trước đây nhập khẩu nhiều, là thị trường lớn của ta – giờ họ tự cân đối được.
Cũng theo ông Cường, năm nay trong bức tranh chung nông sản toàn cầu đến giờ qua kết quả thống kê thì thấy giá tất cả các nhóm nông sản đều giảm từ 5-15% tùy nhóm. Trong đó đặc biệt là lúa gạo khi mặt hàng này giảm sâu, giảm nhiều trên tất cả các phân khúc.
“6 tháng đầu năm nay, giá lúa gạo trên thế giới, sản lượng thương mại đều giảm, đặc biệt giảm rất nhanh về giá bình quân. Vừa rồi gạo Việt xuất khẩu giá bình quân chỉ còn hơn 400 USD/tấn”, ông Cường chia sẻ.
Ông Cường phân tích, hiện nay, quá trình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo còn mắc rất nhiều “điểm nghẽn”. Trong đó, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của ngành lúa gạo thấp; xuất khẩu gạo khối lượng lớn nhưng giá trị thấp; sản xuất thiếu tính bền vững…
Thêm vào đó, chúng ta gặp nhiều khó khăn, trở ngại hơn các năm trước việc ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo. Một số thị trường nhập khẩu gạo lớn thông tin sẽ thu mua chậm hơn so với các năm trước. Ngoài ra, năng lực thu mua tạm trữ của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Vì vậy, để giải quyết những khó khăn trước mắt cho lúa gạo Việt Nam thì sự vào cuộc nhanh của ngân hàng và doanh nghiệp sau chỉ đạo của Thủ tướng là rất cần thiết.
“Giải cứu” xuất khẩu gạo Việt Nam khỏi “thế khó”
Trước tình hình trên, Chính phủ, Bộ Công thương cùng các Bộ – Ngành liên quan đã triển khai các biện pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho mặt hàng gạo Việt Nam.
Bước đầu, cần chuyển hướng thị trường, mở rộng xuất khẩu nhằm đảm bảo tiêu thụ hết lúa gạo cho nông dân. Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Trường, giải pháp trước mắt là mở rộng thị trường mới, chuyển hướng tập trung sang thị trường châu Phi, ASEAN để bù đắp sự sụt giảm tại các thị trường lớn như Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam phải chủ động đa dạng hóa thị trường, ứng dụng công nghệ vào tìm kiếm và khai thác thị trường, kết nối sản xuất theo hướng hữu cơ. Đồng thời, đẩy nhanh hơn quá trình hình thành chuỗi liên kết trên cơ sở hình thành các hợp tác xã và các doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp, kết hợp với người nông dân sản xuất lúa theo mô hình khép kín, cần cơ cấu lại về giống lúa sao cho phù hợp với nhu cầu trên thị trường. Tích cực áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học từ khâu giống, quy trình kỹ thuật đến vật tư đầu vào, cố gắng để giá lúa cạnh tranh nhất có thể nhưng vẫn phải đảm bảo lợi nhuận của người nông dân. Đây cũng chính là vấn đề cốt lõi để phát triển các mục tiêu dài hạn hơn quá trình thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ lúa gạo Việt Nam trên thị trường cả trong và ngoài nước.
Hướng đi nào cho ngành xuất khẩu gạo Việt Nam phát triển bền vững?
Muốn phát triển bền vững, ngành lúa gạo Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng hạt gạo, đồng thời sửa đổi chính sách đất đai để xây dựng vùng nguyên liệu rộng lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất. Song song với đó, cần có các biện pháp đẩy mạnh việc tăng khả năng nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam nhằm tiếp tục quảng bá đưa thương hiệu gạo nước ta ra thị trường thế giới một cách mạnh mẽ hơn.
Cụ thể, cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lí, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp thay vì chỉ phụ thuộc vào lúa gạo. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Về lâu dài, chúng ta cần tổng rà soát lại, chủ trương tới đây giảm 500 ngàn ha đất lúa để chuyển sang đối tượng sản xuất nông nghiệp khác là thủy sản, trái cây hay những cây trồng cạn để phát triển chăn nuôi. Từ đó sẽ giảm áp lực về sản lượng lúa gạo, tạo sinh kế mới. Chứ lúa gạo cứ thừa như thế này thì hiệu quả rất kém”
Cũng theo ông Cường bên cạnh xuất khẩu lúa gạo, chúng ta cũng cần tập trung vào công tác chế biến sâu hơn nữa. Phát triển đa dạng hóa các sản phẩm trong chuỗi giá trị hạt gạo như cám, trấu, dầu,… nhằm tăng lợi ích từ ngành lúa gạo. Đa dạng hóa ngay cả sản phẩm gạo với nhiều loại phong phú như gạo hữu cơ, gạo dược liệu,… Có như vậy mới đem lại hiệu quả.
Cùng nhận định với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) cũng cho rằng cần chuyển đổi một phần diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác hay sang nuôi trồng thủy sản. Bởi theo vị này, so với các ngành trái cây, thủy sản thì thị trường gạo trên thế giới hiện không còn nhiều dư địa. Trong khi đó, nhiều thị trường trước kia vẫn nhập khẩu gạo với số lượng lớn thì nay đã có thể tự cung tự cấp, thậm chí, các nước này còn xuất khẩu gạo với sản lượng tăng mạnh trong 1-2 năm trở lại đây.