Nền kinh tế ngày càng phát triển, để nắm bắt được cơ hội các nhà đầu tư, doanh nghiệp hay đơn giản chỉ là một cá nhân có nhu cầu mở rộng kinh doanh thì ngoài dùng vốn tự có, họ cần phải sử dụng rất nhiều đến vốn vay làm đòn bảy tài chính. Nếu ai đã từng sử dụng hoặc đang tìm hiểu đến vốn vay thì có thể đã nghe rất nhiều về thuật ngữ “giải ngân”, vậy thực chất giải ngân là gì? Bài viết hôm nay, Bstyle sẽ giúp bạn làm rõ hơn về thuật ngữ này và các vấn đề xung quanh nó.
Giải ngân là gì?
Giải ngân mang ý nghĩa từ chính những từ hình thành nên nó bao gồm “Giải” có nghĩa là giải thoát, giải phóng; “Ngân” nghĩa là “Ngân khố, tiền bạc, ngân sách, ngân quỹ”.
Hiểu một cách đơn giản giải ngân tức là giải phóng tiền, là hoạt động trao tiền của bên cho vay sang cho bên nhận tiền. Số tiền đó sẽ được thanh toán cho mục đích nào đó như mua bán hàng hóa, vay vốn kinh doanh, mua bán nhà cửa tùy thuộc vào từng đơn vị, cá nhân vay vốn; tuy nhiên mục đích đó phải được pháp luật cho phép và theo quy định của tổ chức/ cá nhân cho vay.
Nguồn vốn giải ngân có thể được trao nhận thông qua nhiều hình thức như tiền mặt, tài khoản ngân hàng, séc, phiếu mua, thẻ tín dụng….Việc giải ngân sẽ được tiến hành sau khi hoàn tất các thủ tục cho vay. Và giải ngân có thể được thực hiện 1 lần hoặc chia thành nhiều lần tùy thuộc vào thỏa thuận đã ký kết.
Như vậy có thể thấy “Giải ngân” là khâu quan trọng trong quá trình vay vốn được thực hiện giữa bên cho vay và bên vay, việc “Giải ngân” chậm dẫn đến việc giải phóng tiền lâu và việc kinh doanh cũng bị ngưng trệ theo.
Vậy, quy trình thủ tục của “Giải ngân” như thế nào và làm thế nào để việc này diễn ra nhanh chóng?
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập chi tiết đến việc giải ngân mà có sự chuyển tiền từ bên cho vay sang bên nhận tiền thông qua hình thức tiền mặt (bên cho vay chuyển tiền cho bên vay, sau đó bên vay dùng tiền để thanh toán chi phí cho bên bán hàng do bên bán hàng không có tài khoản ngân hàng…) hoặc hình thức tài khoản ngân hàng (bên cho vay chuyển khoản thanh toán trực tiếp vào tài khoản của bên bán hàng – bên cung cấp hàng hóa cho bên vay)
Quy định về giải ngân
Thông thường việc giải ngân sẽ được thực hiện bằng cách chuyển khoản trực tiếp từ bên cho vay (tổ chức tín dụng) sang bên tài khoản của bên thụ hưởng (đơn giản là bên bán hàng hóa cho bên vay). Hình thức giải ngân này được ưu tiên tiên quyết để đảm bảo mục đích sử dụng vốn của bên vay.
Tuy nhiên, có một số trường hợp bên vay cần tiền mặt để thanh toán hoặc bên thụ hưởng nhận tiền bằng hình thức tiền mặt không chuyển khoản hay khách hàng đã sử dụng tiền thanh toán cho bên thụ hưởng rồi và đang muốn giải ngân bù đắp vốn tự có đã bỏ ra, tận dụng tối đa đòn bảy tài chính từ vốn vay ngân hàng thì sẽ cần có những điều kiện gì để được giải ngân.
Theo thông tư 21/2017/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước đã quy định rõ về phương thức giải ngân vốn cho vay bao gồm việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, bằng tiền mặt để giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng như sau:
Phương thức giải ngân vốn cho vay sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt
Là phương thức giải ngân trực tiếp vào tài khoản giải ngân rồi chuyển sang tài khoản thanh toán của bên vay tại tổ chức tín dụng đó, sau đó bên vay sử dụng tiền đó với các mục đích:
- Bên vay thanh toán, chi trả cho các mục đích sử dụng vốn vay mà pháp luật quy định phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng;
- Bên vay là bên thụ hưởng có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay quyết định cho vay theo quy định của pháp luật;
- Bên vay trực tiếp thanh toán, chi trả tiền mua sản phẩm nông nghiệp thuộc lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản từ cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, hộ kinh doanh và tổ hợp tác có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn để khách hàng thực hiện phương án sản xuất kinh doanh, phù hợp với mục đích vay vốn ghi trong thỏa thuận cho vay.
Phương thức giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt
Là phương thức mà tổ chức tín dụng sẽ thực hiện giải ngân tiền mặt không thông qua tài khoản cho bên vay, để bên vay thực hiện thanh toán trong có trường hợp sau:
- Bên vay thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
- Bên vay là bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay quyết định cho vay theo quy định của pháp luật.
Bên vay phải gửi cho tổ chức tín dụng cho vay văn bản cam kết của bên thụ hưởng về việc bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Phương thức giải ngân vốn cho vay sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hoặc bằng tiền mặt
Là phương thức tổ chức tín dụng giải ngân vào tài khoản giải ngân rồi chuyển sang tài khoản thanh toán của bên vay tại tổ chức tín dụng đó để bên vay sử dụng vốn vay với mục đích:
- Bên vay thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán với số tiền vay ghi trong thỏa thuận cho vay có giá trị không vượt quá 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng).
- Bên vay thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng là tổ chức sử dụng vốn nhà nước được thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Quy trình giải ngân
Giải ngân là bước vô cùng quan trọng trong quá trình mà cá nhân/ tổ chức nào đó vay vốn của ngân hàng/ tổ chức tài chính.
Bởi lẽ nếu không hoàn thành được bước này thì đồng nghĩa với việc vay vốn thất bại, mọi bước chuẩn bị trước đó đều trở nên vô nghĩa.
Tuy nhiên, để giải ngân thành công chúng ta cũng rất cần chú trọng các bước trước đó, việc chuẩn bị tốt các bước trước đó sẽ giúp bước giải ngân diễn ra thành công và trôi chảy.
Vì vậy, có thể coi quá trình đến bước giải ngân được sẽ là một quy trình vay vốn, gồm các bước như sau:
Bước 1: Khách hàng (bên vay) có nhu cầu vay vốn và trao đổi nhu cầu với ngân hàng/ tổ chức tín dụng
Khi phát sinh nhu cầu vay vốn, bạn cần trao đổi nhu cầu này với nhân viên tín dụng tại ngân hàng/ tổ chức tín dụng mà bạn muốn vay vốn tại đó.
Tại đây, hai bên sẽ trao đổi những thông tin cơ bản về bạn như thông tin cá nhân, mục đích vay vốn là vay tiêu dùng cá nhân hay vay phục vụ sản xuất kinh doanh, nguồn trả nợ của bạn (ví dụ lương hàng tháng là bao nhiêu, có thu nhập nào khác không.v.v…) và tài sản đảm bảo là gì…
Nhân viên tín dụng sẽ tiếp nhận các thông tin này, làm căn cứ để xác thực và quyết định trong quá trình đưa ra quyết định cho vay. Đồng thời, tư vấn cho bạn về các hồ sơ cơ bản cần thiết chuẩn bị cho việc thẩm định cho vay.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ thủ tục
Hồ sơ vay vốn rất quan trọng, nó giúp xác định bạn là ai, nhu cầu có thực tế không, nguồn thu của bạn được chứng minh như thế nào. Nó quyết định việc có nên cho vay không, nguồn trả nợ của bạn như thế nào và có ổn định hay không?
Tùy từng mục đích sử dụng vốn, sẽ cần các hồ sơ chi tiết khác nhau, tuy nhiên các hồ sơ cơ bản sẽ bao gồm: hồ sơ pháp lý, hồ sơ tài chính, hồ sơ mục đích sử dụng vốn, hồ sơ tài sản đảm bảo và một số giấy tờ cần bổ sung thêm để làm rõ trong quá trình thẩm định khoản vay của ngân hàng.
Bước 3: Ngân hàng/ tổ chức tín dụng tiến hành thẩm định khoản vay
Sau khi nhận được hồ sơ khách hàng cung cấp, nhân viên ngân hàng tiến hành xem xét hồ sơ, đưa ra các phương án vay vốn phù hợp với nhu cầu và quy định của ngân hàng.
Trường hợp cần làm rõ hơn một số thông tin, nhân viên tín dụng có thể cần bạn bổ sung thêm một số hồ sơ và phỏng vấn thêm một số câu hỏi (ví dụ như đối với khách hàng doanh nghiệp có nhiều thành viên góp vốn, có thể cần cung cấp thêm chứng minh thư các thành viên này để ngân hàng xem xét họ có vay vốn ở đâu không, có quá hạn không, để tránh mục đích cho vay doanh nghiệp nhưng họ lại sử dụng tiền để bù đắp các khoản vay cá nhân.v.v…)
Bước 4: Ngân hàng/ tổ chức tín dụng phê duyệt khoản vay
Sau khi chuyên viên Ngân hàng thẩm định xong sẽ lập các báo cáo đề xuất tín dụng và trình lên cấp trên để xin phê duyệt. Trong một số trường hợp đặc biệt (thường là những khoản vay số tiền lớn) sẽ có bộ phận thẩm định độc lập khác thẩm định lại hồ sơ của khách để bảo đảm tính minh bạch, khách quan. Dựa vào hồ sơ và thông tin khách hàng, cấp có thẩm quyền tiến hành phê duyệt đồng ý hay từ chối cho vay vốn.
Trường hợp được đồng ý, ngân hàng/ tổ chức tín dụng sẽ gửi thông báo tín dụng, trong đó có chi tiết về mức/ hạn mức cho vay (số tiền tối đa được giải ngân) và các điều kiện chi tiết kèm theo để cho vay theo phê duyệt.
Bước 5: Giải ngân
Đây là bước cuối cùng để tiền vay có thể giải phóng từ người cho vay đến người mà bên vay muốn sử dụng tiền để thanh toán.
Ở bước này, thông thường ngân hàng/ tổ chức tín dụng sẽ cần làm ba bước, hạch toán mức/ hạn mức cho vay (bao gồm hồ sơ pháp lý, phê duyệt mức/ hạn mức cho vay, hợp đồng tín dụng giữa bên vay và bên cho vay), hạch toán tài sản đảm bảo (nếu khoản vay cần tài sản đảm bảo bao gồm hợp đồng thế chấp, các hồ sơ tài sản bản gốc…) và hạch toán hồ sơ giải ngân (hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn như hợp đồng mua bán, hóa đơn, biên bản nghiệm thu…)
Về cơ bản các hồ sơ đã được cung cấp gần hết tại thời điểm phê duyệt khoản vay, bạn chỉ cần cung cấp thêm các hồ sơ ký kết giữa hai bên (bên cho vay và bên vay); các hồ sơ gốc tài sản đảm bảo và các hồ sơ giải ngân từng lần nếu thực hiện giải ngân từng lần, không giải ngân hết mức/ hạn mức cho vay tại một thời điểm.
Hồ sơ giải ngân bao gồm những gì?
Như phần trên đã trình bày để đến bước giải ngân, bạn cần phải trải qua các bước của một quy trình vay vốn thì mới có thể thực hiện giải ngân.
Vì vậy, các hồ sơ cần được cung cấp như chuẩn bị cho một khoản vay tại ngân hàng.
Hồ sơ pháp lý: CMND, hộ chiếu, sổ hộ khẩu (hoặc KT3), giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân với người vay là các nhân; đăng ký kinh doanh, điều lệ, biên bản họp cổ đông, biên bản họp thành viên, đăng ký mẫu dấu với người vay là doanh nghiệp.
Ngoài ra nếu doanh nghiệp có các cá nhân góp vốn cũng cần thu thập thêm các hồ sơ pháp lý của các cá nhân này (CMND, hộ chiếu, hộ khẩu…)
Hồ sơ tài chính: Hồ sơ này bao gồm các giấy tờ chứng minh nguồn thu, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ví dụ như hợp đồng lao động còn thời hạn, bảng lương, sao kê lương với khoản vay thông qua lương hay giấy tờ chứng minh sở hữu, hợp đồng cho thuê với nguồn thu từ thu nhập khác như cho thuê tài sản; hợp đồng mua bán, hóa đơn, biên bản nghiệm thu bàn giao, báo cáo tài chính với doanh nghiệp nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh;
Hồ sơ mục đích sử dụng vốn: Bao gồm bảng dự toán nhu cầu vốn, hợp đồng mua bán hàng hóa cho mục đích giải ngân lần này nếu vay với mục đích kinh doanh; các giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vốn của khách hàng như hợp đồng mua bán, giấy đặt cọc, thông báo nộp tiền với mục đích mua nhà, mua xe,…; bản dự toán xây sửa nhà, dự toán chi phí với mục đích xây sửa nhà.
Hồ sơ tài sản đảm bảo: Tùy vào loại tài sản bạn thế chấp đảm bảo cho khoản vay là gì, thì ngân hàng/ tổ chức tín dụng sẽ yêu cầu tương ứng. Có thể là sổ đỏ, sổ hồng nếu tài sản đảm bảo là nhà đất; Giấy đăng ký xe nếu tài sản đảm bảo là ô tô…
Ngoài ra cần cung cấp thêm các giấy tờ của chủ sở hữu tài sản nếu chủ sở hữu là bên thứ ba như CMND, hộ chiếu, hộ khẩu, đăng ký kết hôn để đảm bảo thông tin cho quá trình thẩm định và sau này là soạn hồ sơ tài sản đảm bảo nếu khoản vay được duyệt.
Những lưu ý cần thiết để thực hiện giải ngân nhanh hơn
Trước khi vay vốn, nên tìm hiểu về vay vốn ngân hàng 1-2 tháng trước thời điểm cần sử dụng vốn để tránh lỡ kế hoạch sau này.
Trong quá trình cung cấp hồ sơ và thẩm định, bạn nên cung cấp thông tin chi tiết và trung thực nhất có thể để rút ngắn thời gian thẩm định của Ngân hàng.
Nếu bạn cung cấp thông tin đầy đủ thì bước thẩm định sẽ được tiến hành nhanh hơn. Đồng thời, bạn có thể chủ động bố trí thời gian gặp mặt trực tiếp và bổ sung hồ sơ kịp thời; cố gắng sắp xếp thời gian khi Ngân hàng có yêu cầu làm thủ tục để được giải ngân nhanh và tránh để lỡ công việc.
Sau khi được phê duyệt khoản vay, bạn cần đọc kỹ thông báo cho vay, điều kiện cho vay, các thông tin chi tiết về thời hạn, biên độ, lãi suất, … hợp đồng cho vay trước khi đặt bút ký để đảm bảo nắm rõ các điều kiện, có thể đáp ứng được trong quá trình giải ngân và phù hợp với nhu cầu của mình.
Trên đây là những thông tin về thủ tục giải ngân vay vốn ngân hàng cũng như những điều khách hàng cần lưu ý khi đi vay tiền ở bất kỳ ngân hàng nào. Tuy nhiên mỗi ngân hàng lại có những yêu cầu cụ thể và thời gian giải ngân nhanh chậm khác nhau, bạn hãy liên hệ chuyên viên tín dụng của ngân hàng đó để được tư vấn cụ thể nhất.