Trước làn sóng mạng xã hội Lotus hiện nay, Việt Nam đã có 436 mạng xã hội ra mắt như Zingme, Yume.vn, Tamtay.vn, Zalo, Go.vn, … và Biztime, Gapo. Thế nhưng hầu hết nhận được những cái kết đắng, đều rơi vào cảnh vườn không nhà trống. Thời điểm hiện tại, các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Google đang thống trị người dùng Việt Nam. Vậy, lối đi nào cho mạng xã hội “made in Vietnam”? Liệu Lotus có thật sự khác biệt và đứng vững tại thị trường Việt Nam?
Mạng xã hội là gì?
Mạng xã hội (tiếng Anh: Social Network) là dịch vụ kết nối những người có cùng sở thích trên Internet lại với nhau, với các mục đích khác nhau mà không phân biệt không gian và thời gian.
Từ đó, mạng xã hội có 2 đặc trưng như sau:
- Được tham gia trực tiếp bởi nhiều cá nhân trên cùng 1 trang web (hoặc các doanh nghiệp nhưng có vai trò tương đương các cá nhân).
- Là 1 website mở, nội dung được xây dựng hoàn toàn bởi các người dùng trong website đó.

Tuy nhiên, thực tế nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về bản chất của mạng xã hội. Khi nói đến Facebook hoặc Zalo, chắc hẳn ai cũng biết là mạng xã hội. Nhưng thực chất, mạng xã hội đa dạng và phức tạp hơn chúng ta nghĩ nhiều.
Có lẽ, chẳng ai ngờ đến Việt Nam đã có 436 mạng xã hội. Về những mạng xã hội này, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đa số hoạt động theo hình thức diễn dàn cho nên không được ưa chuộng bằng các mạng xã hội nước ngoài tích hợp với nhiều tiện ích, ứng dụng có giao diện thông minh, thu hút và có khẳng năng tương tác, liên kết cộng đồng cao.
Do vậy, mạng xã hội “made in Vietnam” rất khó khăn để tồn tại được quá 1 năm. Go.vn ra đời vào 9 năm trước, kèm theo tuyên bố hùng hồn là sẽ soán ngôi Facebook chỉ sau 6 tháng hoạt động với 5 triệu người dùng. Ấy thế mà dự án cũng mau chóng thất bại và trở thành một trang tin tức tổng hợp. Không chỉ Go.vn, nhiều cái tên khác cũng mau chóng “chết yểu” dù ra mắt rất hùng hồn như: Zingme, Tamtay.vn, Yume.vn, …
Vậy nên, câu hỏi đặt ra, liệu có “cửa” để các mạng xã hội nội địa mới ra đời tồn tại và phát triển, hay chỉ hoạt động “èo uột” như hàng trăm mạng xã hội khác đã được ra mắt.
Điểm mặt các mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam
Mạng xã hộiZingme

Zingme – một cái tên không thể không nhắc đến, một mạng xã hội phát triển mạnh mẽ trong thời điểm game online đổ bộ vào Việt Nam. Lúc bấy giờ, đứng sau Zingme là “ông lớn” Vinagame (hiện đã đổi thành VNG) – một công ty chuyên về phát triển game.
Do vậy, Zingme phát triển tập trung vào game online nên người dùng của Zingme đa phần là các game thủ. Đó cũng là điểm hạn chế của Zingme. Nên giao diện của mạng xã hội này không phù hợp với số đông người dùng.
Mạng xã hộiZalo

Không chính thức đăng ký là mạng xã hội nhưng Zalo luôn được nhắc tới trong các thông cáo báo chí là một “mạng xã hội Zalo”. Khác với Zingme – một người anh em cùng nhà VNG, Zalo được phát triển dựa trên một ứng dụng chat đa phương tiện (OTT) và ngày càng được mở rộng thêm nhiều tính năng như chia sẻ thông tin trên dòng thời gian (timeline). Hiện Zalo đã thu hút hơn 100 triệu users tại Việt Nam.
Mặc định, phần nội dung bình luận của Zalo chỉ hiển thị nếu người bình luận và người xem kết bạn với nhau. Vậy nên, riêng tư là điểm mạnh của Zalo. Đại diện Zalo chia sẻ rằng, vì để duy trì sự khác biệt nên họ không mở theo dõi bình luận như Facebook cho dù từng có ý định này. Ngoài ra, do có hệ thống cơ sở hạ tầng mạng và được đặt trong nước nên việc truy cập khá nhanh, giao diện thì thân thiện với số đông người dùng Việt.
Hiện nay, Zalo cung cấp đầy đủ các tính năng của một mạng xã hội như: nhắn tin, gọi điện, chia sẻ trên dòng thời gian, thanh toán qua Zalopay, ….
Mạng xã hội Biztime

Biztime liên kết với ví điện tử dựa trên nền tảng công nghệ blockchain và bigdata. Được ra đời với kỳ vọng thay thế Facebook. Tuy nhiên, tính đến nay, có thể thấy tham vọng của họ dường như khá xa vời. Với giao diện sao chép gần y hệt Facebook và không có sự mới mẻ nào khiến Biztime trở nên vắng vẻ. Có lẽ, ngày đóng cửa của Biztime còn không xa, nhất là trong giai đoạn tiền ảo đang lắng xuống.
Mạng xã hội Gapo

Vào tháng 7/2019, mạng xã hội Gapo ra mắt với tham vọng thu hút 50 triệu người dùng sau 3 năm. Tuyên được đầu tư 500 tỉ đồng, các tính năng của Gapo được đưa ra khá mơ hồ như chia sẻ thu nhập của người dùng nhưng sau đó lại im hơi lăng tiếng sau sự cố “sập mạng”, diễn ra ngay sau buổi ra mắt. Và Gapo chưa hỗ trợ trên nền tảng web – một điểm yếu quan trọng của mạng xã hội này.
Thêm vào đó là nghi án sap chép điều khoản thỏa thuận người dùng từ Google khiến hình ảnh của Gapo trở nên thiếu nghiêm túc hơn bao giờ hết. Nếu không có những thay đổi trong thời gian tới, có lẽ con số 50 triệu người dùng của Gapo sẽ là một cái đích “viển vông”, không thể đạt được.
Mạng xã hội Lotus

Mới đây, không thể không nhắc đến mạng xã hội Lotus – một sản phẩm của VCCorp. Nhằm tạo sự khác biệt với Facebook và các mạng xã hội trước đó, Lotus dự kiến sẽ tập trung khai thác nội dung, tặng token người dùng. Những ý tưởng của VCCorp được đưa ra khá mơ hồ, nên có không ít ý kiến cho rằng họ sẽ đi theo vết xe đổ của các mạng xã hội khác. Được biết, Lotus được tạo nên bởi 200 kỹ sư.
“Trái ngọt” cuối cùng dành cho ai trong cuộc đua làm mạng xã hội?
Hiện nay, số users Facebook tại Việt Nam là 60 triệu users, tương đương với 60-70% thị phần. Không muốn để “miếng bánh ngon” rơi vào Facebook, các nhà quản lý bày tỏ những tham vọng, những lý tưởng về mạng xã hội “made in Vietnam” có thể thay Facebook cho đến năm 2022. Từ đó, thổi lên làn sóng làm mạng xã hội trong khoảng một năm trở lại đây.
Lúc này, cuộc đua làm mạng xã hội bước sang một giai đoạn mới. Các mạng xã hội mới đang có xu hướng đề cao sự tương tác, kết nối người dùng. Việc này nhận được không ít kỳ vọng nhưng nó cũng phải đối mặt với vô vàn thử thách.
Trong bối cảnh này, cơ hội dành cho các nhà phát triển mạng xã hội là không nhỏ. Tuy nhiên, với 60 triệu người dùng Việt Nam đang sử dụng Facebook là một thách thức không nhỏ đối với họ.
Liệu có “cửa” để mạng xã hội nội địa tồn tại và phát triển?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thế Tân – Tổng Giám đốc VCCorp cho rằng sự ra đời của Lotus là một hướng đi khác biệt. Lấy nội dung làm trọng tâm nhằm tạo nên một nền tảng sáng tạo nội dung chất lượng hơn để phục vụ người dùng. Tuy mới ra mắt, nhưng Lotus đã có 500 nhà sáng tạo nội dung đăng ký đồng hành. Ông còn khẳng định thêm, Lotus là mạng xã hội do người Việt Nam phát triển và làm chủ. Đồng thời nhấn mạnh cam kết, với Lotus, sẽ không có chuyện lộ thông tin người dùng do Lotus tuân thủ nghiêm túc các quy định của luật pháp về bảo mật thông tin người dùng.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Phan Quốc Việt cũng cho rằng Việt Nam sở hữu nhiều người giỏi. Họ là những kỳ thủ, những kỹ sư công nghệ nổi tiếng toàn cầu. Nên ông kỳ vọng VCCorp sẽ phát triển thành công Lotus tại thị trường Việt Nam.
Cục trưởng Cục An toàn thông tin – ông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, Bộ đã định hướng các mạng xã hội Việt Nam nên phát triển khác biệt so với Facebook, tạo ra giá trị, luật chơi mới và người dùng. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông kì vọng các doanh nghiệp trong nước làm chủ và phát triển mạng xã hội nội địa ra nước ngoài, góp phần đem lại giá trị cho nhân loại toàn cầu.