Bạn đang cần kiểm tra thông tin về tình trạng dư nợ của bạn, tuy nhiên bạn không biết phải tra cứu ở đâu. Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn tìm hiểu về CIC là gì và cách thức tra cứu thông tin dư nợ trên CIC.
CIC là gì?
Trung tâm Thông tin tín dụng (tiếng Anh: Credit Information Center, viết tắt là CIC) là tổ chức của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Tổ chức này có chức năng thu nhận, lưu trữ, phân tích, xử lý, dự báo thông tin tín dụng của cá nhân, tổ chức nhằm phục vụ cho hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Các chức năng của trung tâm thông tin tín dụng CIC
Trung tâm CIC là cầu nối để ngân hàng và những tổ chức tín dụng có căn cứ để xác định tín dụng của cá nhân hoặc tổ chức
Nhiệm vụ của CIC là mỗi tháng yêu cầu các ngân hàng, tổ chức cho vay vốn tín dụng gửi hồ sơ lên cho CIC để họ cập nhật danh sách những khách hàng có vay vốn, tín dụng. Từ nguồn thông tin này CIC sẽ tiến hành tổng kết, phân loại và sắp xếp vị trí cũng như cho điểm từng tín dụng từng cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.
Vậy, CIC lưu lại những thông tin gì của khách hàng có vay vốn, tín dụng; dưới đây là những thông tin chi tiết của khách hàng mà tổ được CIC lưu lại từ phía các ngân hàng gửi lên:
- Số tiền mà khách hàng đang nợ, khoản nợ ngắn hạn, dài hạn hay trung hạn
- Dư nợ, hợp đồng tín dụng với từng ngân hàng bạn vay vốn.
- Diễn biến tổng dư nợ của bạn ra sao (thể hiện chi tiết dư nợ qua các tháng, trong vòng 12 tháng gần nhất)
- Doanh nghiệp hoặc cá nhân đang nằm trong nhóm nợ nào, đã từng phát sinh nợ xấu trong vòng 12 tháng, 03 năm hoặc 05 năm trở lại đây không.
Thông tin từng loại dư nợ (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn) tại từng ngân hàng sẽ được chia thành 05 nhóm nợ: Nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1), nợ cần chú ý (nhóm 2), nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3), nợ nghi ngờ (nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5)
Dư nợ từ nhóm 03 trở đi được coi là nợ xấu.
- Tài sản ban đang thế chấp tại ngân hàng là gì, giá trị như thế nào?
- Và cuối cùng là thông tin các đơn vị đã tra cứu thông tin tín dụng của bạn trong 12 tháng gần nhất.
Đây là thông tin cũng tương đối quan trọng với các ngân hàng, nó mang hai ý nghĩa, thứ nhất bạn là khách hàng tốt được nhiều bên săn đón trong việc cho vay, hai là bạn có lịch sử chưa tốt nên đã có nhiều bên tra cứu để thực hiện cho vay nhưng chưa được hoặc trong quá trình quan hệ, tổ chức tín dụng phải thực hiện tra thường xuyên để kiểm soát.
Nếu doanh nghiệp của bạn phải thường xuyên vay nợ ngân hàng để phát triển công việc kinh doanh thì nhất định bạn cần phải thanh toán khoản vay nợ của mình một cách đều đặn vì như thế doanh nghiệp của bạn sẽ được ghi nhận những điểm tích cực trên hệ thống của CIC.
Và ngược lại nếu bạn thường xuyên trả chậm khoản nợ hoặc không có khả năng thanh toán đầy đủ thì hệ thống CIC sẻ khi nhận những điểm xấu cho doanh nghiệp của bạn, và khả năng bạn bị từ chối khi vay nợ ngân hàng là rất rất cao.
Điều tồi tệ hơn là điểm tín dụng của doanh nghiệp bạn có thể rất thấp và rơi vào nhóm nợ xấu. Bạn có thể tham khảo về nợ xấu và mức độ nghiêm trọng khi rơi vào tình trạng nợ xấu tại bài viết “Nợ xấu là gì? Bạn cần phải làm gì để phòng tránh tình trạng nợ xấu? ”.
CIC vô cùng quan trọng với ngân hàng và từng khách hàng vay. Nhờ có hệ thống CIC mà ngân hàng mới có thông tin tổng quát về tình hình dư nợ của khách hàng ở tất cả các ngân hàng để từ đó có cơ sở dữ liệu đánh giá tín dụng của khách hàng. Và với khách hàng kiểm tra CIC để xem việc đánh giá tín dụng bản thân tại các tổ chức tín dụng qua đó quản lý tài chính tốt hơn.
Kiểm tra thông tin CIC ở đâu?
Bạn có thể kiểm tra thông tin tín dụng ở 2 nơi sau:
- Ngân hàng hoặc công ty tài chính cho bạn vay vốn.
- Kiểm tra qua Trung tâm thông tin tín dụng Ngân hàng nhà nước(có địa điểm tại TP.Hồ Chí Minh và TP.Hà Nội).
Các ngân hàng và tổ chức tín dụng phải trả phí khi sử dụng dịch vụ của tổ chức này. Bạn cũng sẽ phải trả một khoản phí để kiểm tra điểm tín dụng của mình trên hệ thống CIC.
Cách kiểm tra thông tin dư nợ trên CIC
Để kiểm tra thông tin CIC bạn có thể tự kiểm tra trên trang web của Trung tâm thông tin tín dụng Ngân hàng nhà nước hoặc yêu cầu Ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng bạn vay vốn hỗ trợ tra cứu bằng việc cung cấp thông tin chứng minh thư/ hộ chiếu (nếu là khoản vay cá nhân) hoặc thông tin đăng ký kinh doanh (nếu là khoản vay doanh nghiệp) để họ tra cứu.
Các bạn có thể tra cứu qua trang web hoặc tải app tra cứu trên điện thoại
Đối với hình thức tra cứu qua trang web
Việc tra cứu này sẽ xảy ra 02 trường hợp là bạn đã có tài khoản hoặc bạn chưa có tài khoản tại hệ thống CIC.
Trường hợp chưa có tài khoản đăng nhập bạn cần thực hiện từ bước 1, trường hợp đã có tài khoản, bạn chỉ cần truy cập vào trang web và thực hiện luôn từ bước 4.
Bước 1: Truy cập Website CIC
Bạn truy cập vào Website của CIC: https://cic.gov.vn
Chọn nút “Khai thác nhu cầu vay” theo như hình bên dưới.
Bước 2: Đăng ký thông tin
Lựa chọn đối tượng cần đăng ký là cá nhân hoặc doanh nghiệp
Điền các thông tin yêu cầu để đăng kí theo hướng dẫn trên màn hình. Sau đó nhấn “Tiếp tục” để thực hiện các bước tiếp theo.
Lưu ý rằng bạn nên nhập email và SĐT thật và sở hữu lâu dài của bạn. CIC sẽ dựa vào các thông tin đó để cập nhật những thông tin mới cho bạn.
Lưu ý: ngoài việc điền đầy đủ thông tin ở các mục trên, đối với đối tượng là cá nhân cần upload ảnh chụp trước sau của chứng minh thư và đối tượng là doanh nghiệp thì cần bản scan giấy đăng ký kinh doanh, vì vậy các bạn cần chuẩn bị trước các hồ sơ này cho quá trình đăng ký.
Bước 3: Nhận mã xác thực OTP
Nhập mã OTP được gửi về số điện thoại đã đăng ký, chọn “Đồng ý” để chấp nhận các điều khoản cam kết. Sau đó nhấn “Tiếp tục” để thực hiện bước tiếp theo.
Sau khi đăng ký tài khoản thành công, hệ thống sẽ gửi thông tin tài khoản truy cập Cổng thông tin về Email mà bạn đã đăng ký.
Bước 4: Tại menu chọn “Đăng nhập” hoặc “Khai thác báo cáo”.
Thực hiện đăng nhập hệ thống Cổng thông tin bằng tài khoản và mật khẩu đã đăng ký.
Bước 5: Chọn menu “Khai thác báo cáo” sau đó chọn “Mua báo cáo”
Bước 6: Thanh toán phí, có 2 trường hợp sau:
Trường hợp 1: Khai thác báo cáo miễn phí (lần khai thác đầu tiên trong năm): Nhập mã OTP để “Xác nhận”, và chọn “Xem báo cáo”
Trường hợp 2: Khai thác báo cáo có tính phí (từ lần khai thác thứ 2 trong năm): Nhập Mã OTP sau đó lựa chọn “Hình thức thanh toán” (Napas/Chuyển khoản/Tiền mặt)
Thực hiện một trong ba hình thức thanh toán
Cổng thanh toán trực tuyến Napas: Lựa chọn loại thẻ và khai báo thông tin về thẻ, chủ thẻ để thực hiện “thanh toán”. Thông báo về Kết quả thanh toán sẽ được gửi đến Email đã đăng ký.
Chuyển khoản: Lựa chọn Tài khoản theo hướng dẫn trên màn hình để thực hiện giao dịch chuyển khoản.
Tiền mặt: Thực hiện việc thanh toán trực tiếp tại địa chỉ hướng dẫn trên màn hình.
Sau khi thực hiện thanh toán phí thành công, nhấn chọn “Xem báo cáo”, màn hình sẽ hiện ra thông tin điểm tín dụng của bạn như sau
Đối với hình thức tra cứu trên điện thoại bằng app
Bước 1: Tải app CiCB-Credit info
Bước 2: Sau khi cài đặt, bạn vào app chọn menu “Khai thác báo cáo” để tại tài khoản và đăng nhập
Sau khi nhấn Khai thác báo cáo bạn cần cung cấp đầy đủ thông tin Ngày sinh, email, số CMND, ngày cấp nơi cấp, anh em cũng cần phải tải lên mặt trước mặt sau của CMND / CCCD và chụp 1 ảnh chân dung cho app để thực hiện đăng ký tài khoản.
Việc xác nhận thông tin đăng ký được thực hiện rất nhanh, gần như tức thời sau khi bạn điền đầy đủ thông tin và nhấn nút “Tiếp”
Bước 4: Sau khi cung cấp thông tin, bạn lại nhấn vào nút “Khai thác báo cáo” trên màn hình chính, lúc này sẽ có lựa chọn báo cáo tín dụng thể thân.
Bạn thực hiện tiếp theo như Bước 5, Bước 6 của tra cứu bằng hình thức trên trang web.
Sau khi bạn thực hiện mua báo cáo, bạn vào phần danh sách báo cáo và xem báo cáo đã mua của mình.
Đối với trường hợp này, hệ thống CIC còn thực hiện gửi mail cho người tra cứu để có thể xem báo cáo trên trình duyệt (bằng web), bạn có thể xem bằng trình duyệt và tải báo cáo nếu muốn.
Trên đây là những thông tin vô cùng cơ bản về CIC và cách thức tra cứu thông tin này, rất mong đây sẽ là những thông tin bổ ích hỗ trợ các bạn để có thể thường xuyên tra cứu và quản lý tình trạng dư nợ của mình.