GDP là một chỉ số quan trọng để đánh giá sức mạnh nền kinh tế của một quốc gia. Cùng Bstyle tìm hiểu khái niệm GDP là gì trong bài viết này nhé.
GDP là gì?
Tổng sản phẩm quốc nội (tiếng Anh: Gross Domestic Product – GDP) là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong một phạm vi lãnh thổ quốc gia trong thời gian một năm.
Điều đó có nghĩa là hàng hóa hoặc dịch vụ được sản xuất bởi công dân trong nước hay người nước ngoài. Nếu nằm trong danh giới của một quốc gia, thì nó được tính trong GDP.
GDP lần đầu tiên được đưa vào sử dụng năm 1937 trong một báo cáo Quốc Hội Hoa Kỳ để đối phó với cuộc Đại suy thoái sau khi nhà kinh tế người Nga Simon Kuznets nghĩ ra hệ thống đo lường. Vào thời điểm đó, hệ thống đo lường ưu việt là Tổng sản phẩm quốc gia (GNP).
Sau hội nghị Bretton Woods năm 1944, GDP đã được áp dụng rộng rãi như là phương tiện tiêu chuẩn để đo lường các nền kinh tế quốc gia.
Cách tính GDP
Có ba phương pháp tính GDP chính đó là phương pháp chi tiêu, phương pháp thu nhập và phương pháp giá trị gia tăng.
Phương pháp chi tiêu
Theo phương pháp chi tiêu, tổng sản phẩm quốc nội của một quốc gia là tổng số tiền mà các hộ gia đình trong quốc gia đó chi ra để mua hàng hóa cuối cùng cộng với xuất khẩu ròng của quốc gia đó sang quốc gia khác.
Công thức:
GDP = C + I + G + (X – M)
Trong đó:
- C (consumption) – Tiêu dùng: Là các khoản chi cho tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình về hàng hóa / dịch vụ.
- I (Investment) – Đầu tư: Là tổng đầu tư ở trong nước của tư nhân
- G (Government purchases) – Chi tiêu chính phủ: Bao gồm các khoản chi tiêu của chính phủ cho các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.
- X – M : Giá trị xuất khẩu (X) – Giá trị nhập khẩu (M).
Lưu ý rằng, C, G và I là chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ cuối cùng, chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ trung gian không được tính.
Phương pháp thu nhập
Theo phương pháp thu nhập (hay phương pháp chi phí), tổng sản phẩm quốc nội bằng tổng thu nhập từ các yếu tố tiền lương, tiền lãi, lợi nhuận và tiền thuê. Đó cũng là tổng chi phí sản xuất các sản phẩm cuối cùng của xã hội.
Công thức:
GDP = W + R + i + Pr + Ti + De
Trong đó:
- W (wage): Tiền lương
- R (rent): Cho thuê tài sản
- i (interest): Tiền lãi
- Pr (Profit): Lợi nhuận
- Ti : Thuế gián thu ròng
- De : Khấu hao tài sản cố định
Phương pháp giá trị gia tăng
Giá trị gia tăng của doanh nghiệp (VA), giá trị gia tăng thêm của một ngành (GO), giá trị gia tăng thêm của nền kinh tế (GDP).
Công thức tính giá trị gia tăng của doanh nghiệp (VA):
VA = Giá trị thị trường sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp – Giá trị đầu vào được chuyển hết vào giá trị sản phẩm trong quá trình sản xuất.
Công thức tính giá trị gia tăng của một ngành (GO):
GO = ∑ VAi (i=1,2,3,..,n)
Trong đó:
- VAi là giá trị gia tăng thêm của doanh nghiệp i trong ngành
- n là số lượng doanh nghiệp trong ngành
Công thức tính giá trị gia tăng của nền kinh tế GDP:
GDP =∑ GOj (j=1,2,3,..,m)
Trong đó:
- GOj là giá trị gia tăng của ngành j
- m là số ngành trong nền kinh tế
GDP danh nghĩa và GDP thực tế
Các công thức tính GDP ở trên là GDP danh nghĩa.
GDP danh nghĩa là gì?
GDP danh nghĩa là tổng sản phẩm nội địa tính theo giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ cuối cùng tính theo giá hiện hành.
GDP danh nghĩa đề cập đến sản lượng kinh tế của một quốc gia mà không cần điều chỉnh lạm phát. Trong một khoảng thời gian, giá cả thường có xu hướng đi lên trong một nền kinh tế và điều này được phản ánh trong GDP. Do đó, nếu nhìn vào GDP danh nghĩa của một nền kinh tế, thật khó để biết GDP đó tăng lên do kết quả của việc mở rộng sản xuất trong nền kinh tế hay do giá cả leo thang. Đó chính là lý do vì sao các nhà kinh tế đã đưa ra một sự điều chỉnh cho lạm phát để tìm ra GDP thực tế của nền kinh tế.
GDP thực tế là gì?
GDP thực tế là tổng sản phẩm nội địa tính theo sản lượng hàng hóa và dịch vụ cuối cùng của năm nghiên cứu, giá cả tính theo năm gốc do đó GDP thực tế còn được gọi là GDP theo giá so sánh.
Bằng cách này, các nhà kinh tế có thể so sánh GDp của một quốc gia từ năm này sang năm khác xem liệu có sự tăng trưởng thực sự nào không.
Thông thường, GDP danh nghĩa sẽ cao hơn GDP thực tế vì tỉ lệ lạm phát luôn là một con số dương. Sự khác biệt giữa GDP thực tế và GDP danh nghĩa của một quốc gia biểu thị cho tỉ lệ lạm phát tăng (nếu danh nghĩa cao hơn) hoặc tỉ lệ giảm phát giảm (nếu thực tế cao hơn) trong nền kinh tế.
Điều chỉnh lạm phát
Ví dụ: Nếu GDP được tính cao hơn 6% so với năm trước, nhưng lạm phát đo được là 2% so với cùng kỳ, tăng trưởng GDP sẽ được báo cáo là 4%, hoặc tăng trưởng ròng trong giai đoạn này.
Tại sao lạm phát gia tăng cùng với tăng trưởng GDP?
Sự tăng trưởng của GDP chưa điều chỉnh có nghĩa là một nền kinh tế đã trải qua một trong năm kịch bản.
- Sản xuất nhiều hơn với cùng giá
- Sản xuất cùng một lượng với giá cao hơn
- Sản xuất nhiều hơn với giá cao hơn
- Sản xuất nhiều hơn với giá thấp hơn
- Sản xuất ít hơn với giá cao hơn nhiều
Trường hợp 1: Sản xuất đang được tăng lên để đáp ứng nhu cầu gia tăng dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp giảm, tiền lương tăng lên dẫn đến nhu cầu cao hơn khi người tiêu dùng chi tiêu thoải mái hơn. Điều này dẫn đến GDP cao hơn, cuối cùng kết hợp với lạm phát.
Trường hợp 2: Nhu cầu người tiêu dùng không tăng, nhưng giá cao hơn do chi phí tăng lên. Cả GDP và lạm phát đều tăng lên trong trường hợp này.
Trường hợp 3: Nhu cầu tăng và thiếu nguồn cung. Doanh nghiệp phải thuê nhiều nhân viên hơn, tăng thêm nhu cầu bằng cách tăng lương. Nhu cầu tăng trong khi nguồn cung giảm khiến giá tăng. Trong trường hợp này, GDP và lạm phát đều tăng với tốc độ không bền vững.
Trường hợp 4: Chưa từng xảy ra trong các nền kinh tế dân chủ hiện đại.
Trường hợp 5: GDP tăng chậm, dưới mức mong muốn, nhưng lạm phát vẫn tồn tại và tỉ lệ thất nghiệp cao do sản xuất thấp.
GDP bình quân đầu người (PPP)
GDP bình quân đầu người của một quốc gia được tính bằng cách lấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chia cho dân số của quốc gia đó.
GDP bình quân đầu người là thước đo mức sống của đất nước đó. Năm 2018, quy mô GDP theo giá hiện hành của Việt Nam đạt 240,5 tỉ USD. Như vậy, GDP bình quân đầu người khoảng 2.540 USD, tăng 155 USD so với năm 2017 và 325 USD so với năm 2016.
Ý nghĩa của chỉ số GDP
Các nhà đầu tư nhìn vào tốc độ tăng trưởng của một quốc gia để quyết định xem họ có nên đầu tư vào đó hay không. Họ cũng so sánh tốc độ tăng trưởng của GDP của các quốc gia để tìm cơ hội đầu tư tốt nhất. Họ mua cổ phần của các công ty ở các nước đang phát triển nhanh chóng.
GPD đo lường sức khỏe của nền kinh tế, Khi nền kinh tế khỏe mạnh, doanh nghiệp cần nhiều lao động, tỉ lệ thất nghiệp giảm và mức lương người lao động tăng.
GDP tăng khi tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ mà các nhà sản xuất trong nước bán cho người nước ngoài vượt tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ nước ngoài mà người tiêu dùng trong nước mua (còn được gọi là thặng dư thương mại). Nếu người tiêu dùng trong nước chi nhiều hơn cho các sản phẩm nước ngoài hơn các các nhà sản xuất trong nước bán cho người tiêu dùng nước ngoài (thâm hụt thương mại) thì GDP sẽ giảm.
Nếu tăng trưởng âm trong hai hoặc nhiều quý liên tiếp, đây được coi là một cuộc suy thoái. Điều này chỉ ra cho các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách rằng các biện pháp tăng cường hoạt động kinh tế như giảm lãi suất, in thêm tiền là cần thiết để duy trì sự ổn định.
Hạn chế của GDP
GDP không chỉ ra mức sống: Mặc dù Trung Quốc có GDP lớn, nhưng mức sống của họ khá thấp và được coi là một quốc gia có thu nhập trung bình
GDP không bao gồm nền kinh tế thị trường chợ đen: Chợ đen bao gồm bất kỳ hàng hóa và dịch vụ nào được mua và bán nhưng không được báo cáo vì chúng là bất hợp pháp. Điều này bao gồm ma túy và buôn bán ma túy, mại dâm bất hợp pháp và lao động bất hợp pháp.
GDP không bao gồm các hình thức lao động khác không được báo cáo: Lao động không báo cáo bao gồm chăm sóc trẻ em hoặc giúp việc gia đình như nấu ăn hoặc dọn dẹp…
GDP không bao gồm chi phí môi trường của sản lượng kinh tế: Ví dụ, cốc nhựa sử dụng một lần được sản xuất và bán được tính trong GDP nhưng chi phí dài hạn liên quan đến việc xử lý và gây hại cho môi trường không được tính tới.
Bảng xếp hạng GDP toàn cầu
Dưới đây là xếp hạng 10 quốc gia có GDP danh nghĩa cao nhất năm 2018 được công bố bởi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF).
- Hoa Kỳ : 20,513,000 (triệu USD)
- Trung Quốc: 13,457,267 (triệu USD)
- Nhật Bản: 5,070,626 (triệu USD)
- Đức: 4,029,140 (triệu USD)
- Anh: 2,808,899 (triệu USD)
- Pháp: 2,794,696 (triệu USD)
- Ấn Độ: 2,689,992 (triệu USD)
- Ý: 2,086,911 (triệu USD)
- Brazil: 1,909,386 (triệu USD)
- Canada: 1,733,706 (triệu USD)
Việt Nam đứng ở vị trí thứ 47 với GDP đạt 241,434 (triệu USD)
Phân biệt GDP là GNP
GNP là gì?
Tổng sản phẩm quốc gia (tiếng Anh: Gross National Product – GNP) là tổng giá trị bằng tiền của các sản phẩm cuối cùng và dịch vụ mà công dân của một nước làm ra, bất kể họ ở đâu trên thế giới, trong một năm tài chính.
Sản phẩm cuối cùng là hàng hóa được tiêu thụ cuối cùng bởi người tiêu dùng chứ không phải là những sản phẩm được sử dụng như là sản phẩm trung gian để sản xuất ra những sản phẩm khác. Ví dụ: Một chiếc xe máy được bán cho người tiêu dùng là một sản phẩm cuối cùng, các thành phần như vỏ xe, ruột xe được bán cho nhà sản xuất xe máy là sản phẩm trung gian. Cũng chiếc vỏ xe, ruột xe đó, nếu bán cho người tiêu dùng thì nó là sản phẩm cuối cùng.
Công thức tính GNP
Tổng sản phẩm quốc gia GNP được tính bằng công thức dưới đây:
GNP = C + I + G + (X – M) + NR
Trong đó:
- C : Chi phí tiêu dùng cá nhân (Hộ gia đình)
- I : Tổng đầu tư cá nhân quốc nội (Tất cả doanh nghiệp đầu tư trên lãnh thổ 1 nước)
- G : Chi phí tiêu dùng của chính phủ
- X : Kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa và dịch vụ
- M : Kim ngạch nhập khẩu của hàng hóa và dịch vụ
- NR : Thu nhập ròng từ các hàng hóa và dịch vụ đầu tư ở nước ngoài
Một chỉ số khác có giá trị tương đương với giá trị của GNP đó là tổng thu nhập quốc dân (Gross National Income – GNI). Tuy nhiên, cách thức tiếp cận vấn đề là dựa trên cơ sở khác nhau. GNP dựa trên cơ sở sản xuất ra sản phẩm mới, còn GNI dựa trên cơ sử thu nhập của công dân.
So sánh GDP là GNP
Trong nền kinh tế toàn cầu, GNP ngày càng được công nhận là một thước đo tốt hơn để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế nói chung so với GDP vì nó đo lường thu nhập quốc gia, bất kể thu nhập đó được tạo ra bởi người dân trong nước hay bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Nói cách khác, GDP đề cập và đo lường mức độ sản xuất trong nước trong biên giới vật lý của một quốc gia, trong khi đó, GNP đo lường mức độ sản xuất của một người hoặc một công ty có quốc tịch cụ thể cả trong và ngoài nước.
Tùy thuộc vào hoàn cảnh, GNP có thể cao hoặc thấp hơn GDP. Điều này phụ thuộc vào tỉ lệ các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài tại một quốc gia nhất định.
Ví dụ:
GDP của Trung Quốc lớn hơn 300 tỉ đô so với GNP của nước này, do số lượng các công ty nước ngoài sản xuất trong nước, trong khi GNP của Hoa Kỳ lớn hơn GDP của họ 250 tỉ đô la bởi vì số lượng sản xuất diễn ra ở biên ngoài biên giới của đất nước nhiều hơn.
Thông qua bài viết này chắc hẳn bạn đã nắm được khái niệm tổng sản phẩm quốc nội / GDP là gì, cách tính GDP và phân biệt được sự khác nhau giữa GDP là GNP rồi nhỉ. Chúc các bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích.