Cùng Bstyle.vn tìm hiểu tỉ số khả năng thanh toán hiện hành / Current Ratio là gì trong bài viết này nhé.
Current Ratio là gì?
Tỉ số khả năng thanh toán hiện hành (tiếng Anh: Current Ratio) là tỉ số tài chính đo lường khả năng thanh toán các nghĩa vụ nợ ngắn hạn của doanh nghiệp.
Tỉ số khả năng thanh toán hiện hành còn có nhiều tên gọi khác như tỉ số thanh toán ngắn hạn, hệ số thanh toán ngắn hạn, hệ số khả năng thanh toán của vốn lưu động, hệ số thanh toán hiện thời…
Current Ratio cho biết cứ mỗi đồng nợ ngắn hạn mà doanh nghiệp đang giữ thì doanh nghiệp có bao nhiêu đồng nợ ngắn hạn để thanh toán.
Công thức tính Current Ratio
Tỷ số thanh toán hiện hành được tính ra bằng cách lấy giá trị tài sản ngắn hạn trong một thời kỳ nhất định chia cho giá trị nợ ngắn hạn phải trả cùng kỳ.
Tỉ số thanh khoản hiện hành = Giá trị tải sản ngắn hạn / Giá trị nợ ngắn hạn
Nếu Current Ratio lớn hơn 1 có nghĩa là doanh nghiệp có đủ tài sản ngắn hạn để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Ngược lại, nếu Current Ratio nhỏ hơn 1 thì có nghĩa là doanh nghiệp không đủ tài sản ngắn hạn để có thể thanh toán các khoản nợ sắp đến hạn phải trả.
Mặt khác, về mặt lý thuyết, tỉ lệ thanh khoản hiện hành càng cao, công ty càng có khả năng thanh toán các nghĩa vụ nợ ngắn hạn. Tuy nhiên, khi tỉ lệ này quá cao, có thể cho thấy công ty không sử dụng tài sản ngắn hạn của mình một cách hiệu quả, hoặc không quản lý tốt nguồn vốn lưu động.
Khi đánh giá tình hình thanh khoản của doanh nghiệp, người phân tích thường so sánh tỷ số thanh khoản của một doanh nghiệp với tỷ số thanh khoản bình quân của toàn ngành mà doanh nghiệp đó tham gia.
Hạn chế của việc sử dụng tỉ lệ thanh toán hiện hành
Tỉ lệ thanh toán hiện hành tại một thời điểm bất kỳ chỉ là một bức ảnh chụp nhanh, nên nó không phản ánh chính xác tính thanh khoản hoặc khả năng thanh toán của công ty.
Ví dụ , một công ty có tỉ lệ thanh toán hiện hành rất cao, nhưng các khoản phải thu của công ty có thể có từ rất lâu do khách hàng của công ty thanh toán chậm, hoặc hàng tồn kho do lỗi mốt, lạc hậu rất khó để tiêu thụ. Do đó, các nhà phân tích cũng phải xem xét chất lượng của các tài sản ngắn hạn của công ty khi xem xét chỉ số này.
Để khắc phục điều này, thì chỉ số khả năng thanh toán nhanh được áp dụng.