Vốn lưu động là yếu tố giúp cho quá trình kinh doanh của doanh nghiệp được vận hành liên tục. Việc hiểu rõ được thông tin này sẽ hỗ trợ công tác quản lý doanh nghiệp và có được những quyết định đầu tư đúng đắn. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ khái niệm vốn lưu động và cách tính vốn lưu động của doanh nghiệp.
Vốn lưu động là gì
Vốn lưu động (tiếng Anh: Working capital) là một thước đo tài chính thể hiện thanh khoản hoạt động có sẵn của một doanh nghiệp, tổ chức, bao gồm cả các tổ chức chính phủ.
Việc đo lường vốn lưu động rất quan trọng với các nhà quản lý, nhà cung cấp và chủ nợ nói chung vì nó cho thấy tính thanh khoản ngắn hạn của công ty cũng như khả năng quản lý sử dụng tài sản công ty một cách hiệu quả.
Công thức tính vốn lưu động
Để tính vốn lưu động, chỉ cần so sánh tài sản ngắn hạn của một công ty với các khoản nợ ngắn hạn của công ty.
Dưới đây là công thức:
Vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn – Nợ ngắn hạn
Tài sản ngắn hạn được liệt kê trong phần tài sản của bảng cân đối kế toán và nợ phải trả ngắn hạn thuộc phần nợ phải trả trong mục nguồn vốn. Cụ thể:
- Tài sản ngắn hạn: Là những tài nguyên mà công ty sở hữu có thể chuyển đổi thành tiền mặt trong vòng 1 năm, bao gồm:
- Tiền và các khoản tương đương tiền
- Hàng tồn kho
- Các khoản phải thu ngắn hạn
- Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn
- …
- Nợ ngắn hạn: Là các khoản mà công ty phải thanh toán trong vòng 1 năm, bao gồm:
- Vay & nợ ngắn hạn
- Phải trả người bán
- Các khoản thuế nộp cho nhà nước
- Trả lương người lao động
- …
Ví dụ: Cửa hàng bán lẻ sản phẩm quần áo A có các tài sản ngắn hạn và nợ phải trả ngắn hàng như sau:
- Tiền mặt: 10.000 USD
- Tài khoản phải thu: 5.000 USD
- Hàng tồn kho: 15.000 USD
- Nợ phải trả: 10.000 USD
- Nợ thương mại khác: 5.000 USD
Vốn lưu động ròng của cửa hàng A sẽ là 30.000 USD – 15.000 USD = 15.000 USD
Vốn lưu động cho ta biết điều gì?
Nếu tài sản ngắn hạn ít hơn nợ phải trả ngắn hạn => Doanh nghiệp đang thiếu vốn lưu động và đang phải vật lộn để theo kịp các khoản nợ của mình. Trong trường hợp thiếu vốn lưu động, doanh nghiệp có thể phải vay thêm vốn từ ngân hàng để huy động thêm tiền.
Trường hợp tài sản ngắn hạn lớn hơn nợ ngắn hạn => Doanh nghiệp có nhiều tiền để thanh toán các khoản nợ và tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh.
Tùy thuộc vào loại hình kinh doanh, các công ty có thể có vốn lưu động âm và vẫn hoạt động tốt. Ví dụ như chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart hoặc chuỗi ăn nhanh Lotte có thể tạo ra tiền mặt rất nhanh do thời gian tồn kho hàng ngắn và khách hàng thanh toán liền.
Ngoài ra, các sản phẩm được mua từ nhà cung cấp ngay lập tức được bán cho khách hàng trước khi công ty thanh toán tiền cho nhà cung cấp. Do đó, những công ty này không cần có quá nhiều vốn lưu động.
Ngược lại, các công ty sản xuất các thiết bị và máy móc hạng nặng thường không thể tăng tiền mặt một cách nhanh chóng, vì họ bán sản phẩm của mình trên cơ sở thanh toán dài hạn. Chính vì vậy, các công ty này cần nhiều vốn lưu động.
Việc tăng vốn lưu động ròng cho thấy doanh nghiệp đã tăng tài sản hiện tại của mình lên bằng các cách như hoạt động kinh doanh tạo ra lợi nhuận, bán tài sản dài hạn, vay dài hạn, đầu tư của chủ sở hữu, giảm lượng hàng tồn kho, hoặc đã giảm các khoản nợ hiện tại của doanh nghiệp bằng cách thanh toán hết các khoản nợ ngắn hạn hoặc thay đổi điều khoản thanh toán với nhà cung cấp từ ngắn hạn thành dài hạn.
Việc so sánh vốn lưu động của một công ty với các đối thủ trong cùng ngành có thể chứng minh vị thế cạnh tranh của nó. Nếu công ty A có vốn lưu động là 40.000 USD trong khi công ty B và C có vốn lưu động lần lượt là 15.000 USD và 10.000 USD, thì công ty A có thể chi nhiều tiền hơn để phá triển kinh doanh nhanh hơn các đối thủ.
Quản trị vốn lưu động
Các quyết định liên quan đến vốn lưu động và tài chính ngắn hạn được gọi là quản trị vốn lưu động. Việc quản lý vốn lưu động liên quan đến việc quản lý hàng tồn kho, các khoản phải thu và phải trả và tiền mặt.
Mục tiêu của quản lý vốn lưu động là đảm bảo rằng công ty có thể hoạt động liên tục và có đủ dòng tiền để đáp ứng nhu cầu trả nợ ngắn hạn và chi trả các chi phí hoạt động sắp tới.
Quản lý tiền mặt: Tiền mặt được xem là tài sản không sinh lợi, do đó doanh nghiệp cần tối thiểu hóa lượng tiền mặt nắm giữ. Nhà quản trị tài chính cần xác định số dư tiền mặt cho phép doanh nghiệp đáp ứng chi phí hàng ngày.
Quản lý hàng tồn kho: Xác định mức tồn kho cho phép sản xuất không bị gián đoạn nhưng vẫn giảm được đầu tư vào nguyên liệu thô do đó làm tăng dòng tiền. Bên cạnh đó, hàng hóa thành phầm phải giữ ở mức thấp nhất để tránh sản xuất quá mức.
Quản lý khoản phải thu: Các khách hàng thường muốn kéo dài thời hạn thanh toán do đó cần phải xác định chính sách tín dụng phù hợp để công ty có thể thực hiện việc thu tiền đối với các hóa đơn hay khoản nợ đến hạn.
Tài chính ngắn hạn: Xác định nguồn tài chính phù hợp, theo chu kỳ chuyển đổi tiền mặt.