Trong thời đại công nghệ số, Typography gần như đã tham gia vào mọi lĩnh vực trong xã hội ở nhiều góc độ. Thậm chí, chúng gắn liền với từng cá nhân trong số chúng ta (tên các sản phẩm hàng ngày mà chúng ta đang sử dụng hoặc biết đến). Trong các lĩnh vực truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng, typography trở nên phổ biến hơn cả. Đặc biệt, chúng có vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực thiết kế ứng dụng: báo, tạp chí, thiết kế quảng cáo, giao tế cộng đồng….
Vậy typography là gì? Typography bao gồm những gì và được ứng dụng như thế nào? Mời quý độc giả theo dõi bài viết dưới đây!
Tìm hiểu typography là gì?
Typography là từ ghép bởi “Typo” “và graphic”, dùng mô tả về nghệ thuật sắp đặt và kỹ thuật ghép chữ trong in ấn. Nói một cách đơn giản, Typography là phong cách, cách trình bày và hiển thị của các chữ cái. Theo một cách nói hoa mỹ thì typography được ví như nghệ thuật làm việc với chữ cái.
Typography được sử dụng khi cần thiết kế bìa cho các tài liệu, cho công việc, học tập hoặc các dự án cá nhân. Để thiết kế được typography đẹp và chuyên nghiệp, bạn cần rèn luyện cho mình một tư duy sáng tạo và biết cách sử dụng những thuật ngữ quan trọng của typography.
Khái niệm về Typography đã tồn tại từ rất lâu trong cách trình bày bản in của người châu Âu hay cách viết thư pháp của người Trung Hoa.
Loại hình Typography đầu tiên được cho là xuất hiện tại Đông Âu vào thế kỷ XV. Ban đầu, chúng chỉ là những chữ cái bằng kim loại do Johannes Gutenberg (người Đức) phát minh ra và được sử dụng trong công việc in ấn.
Thực tế, trước đó đã một loại hình typography xuất hiện sớm hơn nhưng chưa chính thức được biết đến. Đó là từ những chữ viết tay của người Trung Hoa vào khoảng thế kỉ XI. Đây có thể coi là thời kỳ sơ khai của typography và người Trung Hoa chính là những nhà phát minh đầu tiên của loại hình nghệ thuật này.
Ngày nay, Typography không còn chỉ bó buộc riêng trong lĩnh vực in ấn nữa. Thay vào đó, chúng đã gần như tham gia vào tất cả các lĩnh vực và loại hình (báo chí, thông tin đại chúng, các giấy tờ pháp lý, thiết kế mỹ thuật, website điện tử,….) Đồng thời, cách thức thể hiện của loại hình nghệ thuật này cũng ngày càng đa dạng và phong phú hơn.
Bốn yếu tố quan trọng nhất trong typography
Hierarchy: Cách dóng hàng, cột văn bản
Là cách dóng hàng, cột của văn bản nhằm điều hướng và chỉ dẫn mắt của người đọc về thông tin quan trọng nhất. Nói cách khác, thao tác này sẽ cho họ thấy nên bắt đầu đọc từ đâu, và nên đọc gì tiếp theo. Thứ tự này sẽ dựa trên những cấp bậc nhấn mạnh và sự sắp xếp trong typography
Cách tạo ra hệ thống thứ bậc này rất đơn giản: bạn chỉ cần quyết định yếu tố nào bạn muốn người đọc chú ý đầu tiên, và làm cho chúng trở nên nổi bật bằng một cách nào đó. Ví dụ: các yếu tố quan trọng thường lớn hơn, đậm hơn hoặc khác biệt các yếu tố còn lại. Tuy nhiên, phải luôn nhớ giữ cho typography của bạn thật đơn giản và chỉ gắn với một vài font chữ bổ sung cho nhau.
Leading: sự giãn cách giữa các dòng
Đây là thuật ngữ chỉ khoảng giãn cách giữa 2 dòng. Trường hợp bạn không chắc chắn về việc nên sử dụng việc giãn cách dòng này thế nào, hãy để nguyên mặc định của cài đặt font. Việc giãn cách dòng giúp cho việc đọc trở nên thoải mái và dễ dàng hơn. Tránh giãn dòng quá lớn hoặc quá nhỏ sẽ khiến cho người đọc cảm thấy khó chịu, không thuận mắt.
Tracking: Sự giãn cách giữa các chữ cái trong cùng một từ
Thuật ngữ này chỉ độ dài của 1 từ hoặc là độ giãn cách các chữ cái với nhau. Tùy theo nhu cầu sử dụng, bạn có thể làm dày hoặc giãn rộng yếu tố này. Đối với một số thiết kế, việc tùy chỉnh kỹ thuật tracking sẽ đem lại những yếu tố hiệu quả về mặt nghệ thuật nhất định. Đồng thời, nó cũng có thể giúp bạn chỉnh sửa các font chữ có khoảng giãn cách không tốt.
Kerning: sự giãn cách giữa các chữ cái với nhau
Kerning là khoảng giãn cách giữa các chữ cái cụ thể trong cùng một từ. Kerning không phụ thuộc vào một từ cụ thể như tracking vì mỗi chữ cái lại có độ phù hợp khác nhau. Một số font chữ có sự giãn cách không chuẩn và thường được đánh giá là “kerning kém.
Quy tắc về Font chữ và các font chữ thường gặp trong typography
Quy tắc
Font chữ cũng có ngôn ngữ riêng của chúng. Mục đích cuối cùng là để truyền tải thông điệp nào đó, chứ không đơn thuần chỉ là những chữ cái được sắp xếp một cách đẹp đẽ, cầu kì. Do vậy, chỉ cần nhìn vào typography, lập tức có thể khơi gợi những cảm xúc, suy nghĩ nhất định, tự nhiên hay trung lập, mới lạ hoặc đầy sinh động.
Do đó, để thiết kế được một typography tốt, cần xác định thông điệp chính mà bạn muốn truyền tải tới người xem trước khi chọn một font phù hợp để thể hiện chúng.
Các font thường gặp
Font Serif
Font này thường được biết đến là font “có chân” ở các phần chính của các chữ cái. Do mang lại phong cách khá cổ điển nên chúng sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho những dự án truyền thống. Ngoài ra, font Serif cũng thường xuyên được sử dụng trong các ấn phẩm in ấn như tạp chí hoặc báo giấy.
Font Sans-Serif
Trái ngược với font Serif, font Sans-Serif được biết đến là font chữ “không chân”. Sans-Serif được cho là có phong cách hiện đại và rõ ràng hơn so với font có chân. Đồng thời, nó cũng giúp người xem có thể đọc dễ dàng hơn cả trên màn hình máy tính, điện thoại và máy tính bảng.
Display Font
Đây là font chữ được thể hiện trên đa dạng các phong cách khác nhau. Bao gồm: chữ viết tay (script), chữ Gô-tíc (Blackletter), chữ in hoa, và các kiểu chữ đặc biệt khác. Do đặc điểm phù hợp cho việc trang trí, font chữ này được sử dụng tốt nhất đối với các đoạn text ngắn. Ví dụ: các tiêu đề bài, các chỉ mục hoặc trong các thiết kế nặng về đồ họa.
Một số font chữ cần tránh
Một số font chữ bị coi là lỗi thời mà các designer thường tránh sử dụng như: Comic Sans, Curlz, Jokerman, Brush Script, Kristen, ITC, Papyrus, Hobo,…
Typography được ứng dụng như thế nào?
Trong thiết kế
Nghệ thuật Typography có những qui luật riêng và sự biến tấu không ngừng. Điều đó cho phép Designer một khi đã nắm bắt và vận dụng được qui luật sẽ có thể tạo ra những tác phẩm không chỉ là thông tin mà còn là nghệ thuật.
Khi đó, typography có thể chứa những biểu cảm dẫn dắt người xem vào thế giới riêng theo ý đồ của người thiết kế. Tuy nhiên, bản thân typogaphy là sự hàm chứa hình tượng mà nó đại diện qua ký hiệu chữ viết. Do vậy, để có thể hiểu được hết ý nghĩa hàm chứa trong nó thì người xem phải có một sự cảm nhận tinh tế cùng tư duy nghệ thuật tốt.
Ví dụ điển hình về tính hình tượng phong phú mà typography mang lại như: từ trái cam, con bướm, dòng sông, mặt trăng… chúng ta có thể liên tưởng đến hình ảnh sự vật được nói đến nhiều hơn những hình dáng, ký tự mà ta đang thấy trước mắt.
Các từ ngữ phức tạp đôi khi lại tạo nên sự thú vị, đa dạng về hình tượng tùy theo cảm nhận, trình độ của người đọc. Có vô vàn cách để thể hiện từ ngữ với những hình tượng trực quan thú vị. Chẳng hạn, từ “Tình yêu”, người ta có thể nghĩ đến màu hồng, hình trái tim, hoa hồng, đôi chim hay căn nhà ấm áp, hạnh phúc,….
Trong quảng cáo
Nhờ có sự truyền tải hình tượng, typography đến có thể chạm đến góc độ mạnh nhất trong nhận thức của người đọc, tạo nên tính ứng dụng hợp lý và hiệu quả trong truyền tải thông tin.
Trong Marketing, Typography không chỉ là phương thức truyền tải thông tin mà còn mang một hình thức biểu hiện mới, là sự sáng tạo cái đẹp bằng những con chữ. Và mỗi designer với những phong cách cùng sự trải nghiệm khác nhau, sẽ cho ra đời những typography thú vị, độc đáo mang đậm dấu ấn riêng. Tính ứng dụng của typography trong lĩnh vực thiết kế quảng cáo như một vòng tròn nhỏ, bắt buộc phải liên tục và hoàn hảo. Do đó, typography chính là cách đơn giản mà hiệu quả cực cao cho các thương hiệu dùng để truyền tải thông điệp, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.