Bạn mở thẻ tín dụng mà chưa hiểu rõ tại sao mình chỉ được tiêu dùng trong một hạn mức đó, sau một thời gian sử dụng, nhu cầu chi tiêu của bạn tăng lên và bạn muốn hạn mức cao hơn. Vậy hạn mức thẻ tín dụng là gì và cách làm thế nào để tăng được hạn mức thẻ tín dụng đó?
Bài viết hôm nay, Bstyle sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hạn mức thẻ tín dụng và cách tăng hạn mức của chúng.
Hạn mức thẻ tín dụng là gì?
Như các bạn đã biết, thẻ tín dụng (Credit card) là một loại thẻ ngân hàng cho phép người dùng được sử dụng để thanh toán trước các khoản tiêu dùng mà chưa cần có tiền sẵn trong thẻ. Hiện nay thẻ tín dụng gồm có thẻ tín dụng cá nhân và thẻ tín dụng cho doanh nghiệp (ủy quyền cho một cá nhân sử dụng chi tiêu cho doanh nghiệp) thì đều mang ý nghĩ như trên.
Vậy hạn mức thẻ tín dụng là số tiền tối đa bạn có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng mà ngân hàng phát hành thẻ ứng trước cho bạn.
Hạn mức này được cấp tùy thuộc vào nhiều tiêu chí nhất định như thu nhập, thông tin, lịch sử giao dịch tín dụng và tài sản đảm bảo. Ngoài ra mỗi loại thẻ tín dụng với mục đích khác nhau cũng có những hạn mức khác nhau.
Với yếu tố thu nhập ở đây là mức lương chuyển khoản/ nhận tiền mặt của khách hàng là bao nhiêu, có ổn định hay không.
Yếu tố thông tin, lịch sử giao dịch tín dụng xem xét đến hạn mức còn lại của khoản vay tín chấp hay thế chấp đã được ngân hàng phê duyệt (đây là tổng hạn mức tín dụng khách hàng đã được ngân hàng cấp trên cơ sở tổng các nhu cầu, tài sản của khách hàng), hạn mức thẻ tín dụng của khách hàng đã được cấp tại ngân hàng khác.
Việc xem xét các hạn mức này để đảm bảo việc cấp thêm hạn mức thẻ tín dụng lần này vẫn trên cân đối tài sản đảm bảo, tín chấp phù hợp và nguồn trả nợ cho toàn bộ các nhu cầu vay.
Ngoài ra còn là thông tin về quá trình sử dụng thẻ tín dụng, khách hàng có phát sinh quá hạn nhiều lần hay không, số tiền quá hạn là bao nhiêu và lý do quá hạn là gì.
Cuối cùng, không thể thiếu là yếu tố tài sản đảm bảo- giá trị tài sản bạn thế chấp (trong trường hợp thẻ tín dụng có tài sản đảm bảo) như giá trị sổ tiết kiệm, ô tô, bất động sản để đảm bảo cho hạn mức thẻ tín dụng đó
Về bản chất việc ngân hàng cho bạn tiêu dùng trước một khoản tiền và thực hiện trả sau được coi như một khoản vay, vì vậy, thông thường bạn càng có nhiều tài sản đảm bảo có tính thanh khoản cao, giá trị lớn thì hạn mức để xem xét cấp cho bạn càng cao.
Hiện nay, các ngân hàng đều có sự phân cấp các loại thẻ tín dụng dựa trên hạn mức của chúng, càng hạn mức cao sẽ càng có nhiều dịch vụ và sự ưu đãi hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- Giải đáp thắc mắc: Thẻ tín dụng có chuyển khoản được không?
- 3 cách rút tiền mặt thẻ tín dụng không phải ai cũng biết
Cách kiểm tra hạn mức thẻ tín dụng
Tùy thuộc vào từng ngân hàng, sẽ có những cách kiểm tra chi tiết khác nhau, tuy nhiên, có những cách kiểm tra cơ bản như sau:
Kiểm tra hạn mức thẻ tín dụng trực tiếp tại quầy giao dịch
Bạn đến ngân hàng xuất trình chứng minh thư để nhân viên kiểm tra và yêu cầu giao dịch viên hỗ trợ kiểm tra thông tin tài khoản, giao dịch và hạn mức thẻ tín dụng còn lại.
Kiểm tra hạn mức thẻ tín dụng trên Internet banking
Sử dụng Internet banking đăng nhập vào tài khoản của mình và vào mục thẻ tín dụng để tra cứu, tùy từng ngân hàng sẽ hiển thị với các giao diện khác nhau.
Phương pháp này phù hợp với các bên sử dụng dịch vụ internet banking, dịch vụ này đa số đều được các khách hàng cá nhân sử dụng. Hiện nay, cũng có nhiều ngân hàng đang áp dụng chương trình ưu đãi miễn phí giao dịch, phí thường niên…cho các khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ này.
Kiểm tra hạn mức thẻ tín dụng tại máy ATM
Tại máy ATM của các ngân hàng, bạn có thể tra cứu thông tin tài khoản, thực hiện các giao dịch cơ bản và có thể là kiểm tra số dư và hạn mức thẻ tín dụng.
Hiện tại, trên các trang web các ngân hàng đều ghi rõ địa chỉ các chi nhánh, máy ATM để các khách hàng thuận tiện trong việc giao dịch.
Ngoài ra, bạn có thể gọi điện đến tổng đài hỗ trợ chăm sóc khách hàng để yêu cầu nhân viên tổng đài hỗ trợ tra cứu
Cách tăng hạn mức thẻ tín dụng
Căn cứ tăng hạn mức
Tương tự các yếu tố tại thời điểm làm căn cứ cấp hạn mức tín dụng, thì các yếu tố đó cũng là căn cứ để làm tăng/giảm hạn mức tín dụng.
Về thu nhập: khách hàng cần chứng minh có sự thay đổi tăng trong thu nhập, điều này được thể hiện thông qua lịch sử giao dịch chuyển khoản/ nhận tiền mặt trong một thời gian nhất định.
Thông thường đối với các ngân hàng sẽ ưu tiên việc chuyển khoản có sự minh bạch bằng sao kê tài khoản được chứng nhận bởi dấu và chữ ký của các ngân hàng mà khách hàng có tài khoản lương, rất ít ngân hàng cho phép phát hành thẻ tín dụng với lương tiền mặt và bạn cũng sẽ phải chứng minh khó khăn hơn thu nhập của bạn khi bạn nhận lương tiền mặt.
Về thông tin, lịch sử giao dịch: trong quá trình sử dụng thẻ tín dụng hoặc bất kỳ là vay khoản vay cho mục đích gì bạn cần thanh toán đầy đủ nợ đúng hạn; hạn chế sử dụng rút tiền mặt từ thẻ và nâng cao việc thanh toán bằng thẻ thông qua POS để chứng minh được mục đích sử dụng; luôn kiểm soát chi tiêu, đảm bảo tổng dư nợ phù hợp với khả năng trả nợ.
Về tài sản đảm bảo: khách hàng hoàn toàn có thể yêu cầu tăng hạn mức trong trường hợp đưa thêm tài sản đảm bảo với thẻ tín dụng có tài sản, hoặc đưa thêm tài đảm bảo cho phần mức tín dụng được nâng với thẻ tín dụng lúc trước chưa có tài sản đảm bảo.
Quy trình tăng hạn mức thẻ tín dụng
Tương tự như việc cấp một khoản vay, quy trình cơ bản của việc nâng hạn mức thẻ tín dụng cũng sẽ theo tuần từ khi khách hàng có nhu cầu, trao đổi nhu cầu với tổ chức tín dụng khách hàng đã phát hành thẻ, cung cấp các hồ sơ theo yêu cầu, tổ chức tín dụng tiến hành thẩm định và đưa ra kết luận.
Quy trình này sẽ được chi tiết như sau:
Bước 1: Khi phát sinh nhu cầu nâng hạn mức, khách hàng tra cứu phòng giao dịch/ chi nhánh gần nhất của ngân hàng mình đang có thẻ tín dụng. Thông tin địa chỉ đều được công khai chi tiết trên các trang web của từng ngân hàng.
Bước 2: Ra quầy giao dịch trao đổi với nhân viên ngân hàng/ tổ chức tín dụng phát hành thẻ đó về nhu cầu nâng hạn mức tín dụng của mình để được tư vấn.
Tại đây, bạn sẽ được tư vấn các hồ sơ cần chuẩn bị để phục việc việc trình nâng hạn mức cho bạn.
Ngoài ra, khách hàng có thể gọi lên tổng đài hoặc gọi trực tiếp cho nhân viên đã từng phát hành thẻ tín dụng cho mình tại ngân hàng đó (trong trường hợp có số điện thoại liên hệ) để được tư vấn.
Bước 3: Chuẩn bị và cung cấp đầy đủ các hồ sơ theo tư vấn của tổ chức tín dụng đã làm việc, hồ sơ cơ bản sẽ bao gồm:
- Mẫu đơn đề nghị tăng hạn mức thẻ tín dụng (thông thường theo mẫu của ngân hàng phát hành thẻ)
- Các hồ sơ chứng minh liên quan: Dựa vào các căn cứ tăng hạn mức, thì căn cứ tăng của bạn là gì thì cung cấp hồ sơ cho căn cứ đó.
Ví dụ tăng hạn mức do thu nhập tăng, bạn cần cung cấp sao kê tài khoản lương trong vòng 03 tháng gần nhất.
Tăng hạn mức do bạn có thêm sổ tiết kiệm có giá trị lớn hơn để đưa vào làm tài sản cho việc sử dụng thẻ tín dụng thì cung cấp thông tin sổ tiết kiệm làm cơ sở trình nâng hạn mức, hoặc các tài sản khác như bất động sản, ô tô thì cung cấp sổ đỏ, đăng kí xe….
Với khách hàng cá nhân còn có thể cung cấp thêm hợp đồng lao động, chứng minh nơi bạn đang làm việc, cũng là nơi trả lương cho bạn.
Tùy từng trường hợp, tổ chức tín dụng có thể yêu cầu thêm một số hồ sơ chứng minh khác.
Bước 4: Nhân viên của tổ chức tín dụng sẽ tiến hành thẩm định, kiểm tra tính xác thực của hồ sơ, lịch sử giao dịch của khách hàng và đối chiếu với quy định để đưa ra quyết định có nâng hạn mức cho khách hàng hay không.
Bước 5: Sau khi được cấp nâng hạn mức thẻ tín dụng, khách hàng tiếp tục sử dụng như bình thường với một hạn mức giao lớn hơn.
Việc nâng hạn mức thẻ tín dụng cho khách hàng là một hình thức khuyến khích, hỗ trợ khách hàng trong tiêu dùng nên có nhiều ngân hàng đã giảm thiểu thời gian cho bộ máy vận hành, đồng thời đem lại trải nghiệm cho khách hàng tốt nhất bằng hình thức nâng hạn mức tự đồng.
Với trường hợp như vậy thông thường chủ yếu xem xét trên cơ sở lịch sử giao dịch tín dụng của khách hàng tốt với thời gian đủ lâu để xét duyệt tăng hạn mức. Vì vậy, trong mọi trường hợp bạn luôn cần giữ cho lịch sử tín dụng của mình tốt nhất bằng cách trả nợ đúng hạn, có thể chỉ là khoản tối thiểu để có thể dễ dàng trong quá trình điều chỉnh hạn mức của mình.
Tùy từng ngân hàng, hạn mức tín dụng của bạn thông thường sẽ khoảng là 2-3 tháng lương, nhưng có ngân hàng lại lên đến 4-6 tháng lương trên cơ sở cùng một khoản thu nhập hàng tháng như nhau.
Tuy nhiên, việc nâng hạn mức tín dụng thì hầu hết các ngân hàng đều có thời gian xử lý tương đối nhanh gọn nếu bạn có đủ căn cứ phù hợp và lịch sử giao dịch tín dụng tốt.