Khi bạn không còn nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng nữa, để tránh việc phải trả thêm những khoản phí không đáng có sau này thì cách tốt nhất là bạn nên hủy thẻ tín dụng. Vậy hủy thẻ tín dụng như thế nào? Khi hủy thẻ bạn cần lưu ý những gì? Bài viết hôm nay, Bstyle sẽ giúp bạn tìm hiểu về cách thức và những lưu ý cần thiết khi hủy thẻ tín dụng.
Thẻ tín dụng là một sản phẩm ra đời với mục đích phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người sử dụng. Vì vậy, có rất nhiều trường hợp mà lợi ích của bạn khi tiếp tục sử dụng sẽ không còn được đảm bảo nhất hoặc thậm chí gây ảnh hưởng đến lợi ích của bạn thì bạn hoàn toàn có thể cân nhắc việc hủy thẻ tín dụng này.
Những trường hợp nên cân nhắc việc hủy thẻ tín dụng
Trong quá trình sử dụng thẻ tín dụng, nhu cầu của bản thân bạn sẽ thay đổi liên tục tùy vào từng thời gian, hay đơn giản là chương trình ưu đãi của thẻ tín dụng đó đã hết thời gian áp dụng hoặc bạn có quá nhiều thẻ tín dụng không cần thiết, không sử dụng đến mà bạn vẫn thường xuyên phải trả các loại phí duy trì nó.
Ví dụ như thời điểm bạn chưa lập gia đình nhu cầu của bạn tập trung vào mua sắm quần áo, giầy dép các đồ vật cho cá nhân bản thân, tuy nhiên khi bạn lập gia đình thì ngoài cái đó bạn có thêm nhu cầu chi tiêu về giáo dục cho con cái, bảo hiểm nhân thọ cho gia đình…thời điểm đó, có thể tính năng của thẻ tín dụng cũ không còn có những ưu đãi phù hợp.
Trong trường hợp tình huống khẩn cấp như bạn bị mất thẻ và bạn cần hỗ trợ khóa thẻ để tránh các giao dịch gian lận.
Và cuối cùng là trường hợp không kiểm soát được chi tiêu dẫn đến chi tiêu quá mức, hoặc thường xuyên bị tính phí phạt trả chậm chứng tỏ việc sử dụng thẻ tín dụng không hiệu quả ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của bạn thì bạn cũng nên cân nhắc hủy bỏ thẻ tín dụng.
Quy trình, thủ tục hủy thẻ tín dụng
Bước 1: Khi phát sinh nhu cầu hủy thẻ tín dụng bạn cần phải đảm bảo hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với chiếc thẻ tín dụng đó bao gồm: Thanh toán hết các dư nợ trong thẻ tín dụng bao gồm gốc, lãi hiện tại và các chi phí phát sinh trong kỳ chưa thanh toán như phí thường niên, phí sao kê…
Bước 2: Sau khi đã thanh toán hết, bạn cần đến các chi nhánh/ phòng giao dịch hoặc trụ sở của đơn vị phát hành thẻ, thông báo nhu cầu chấm dứt sử dụng thẻ tín dụng cho bên phát hành thẻ.
Tại đây, đơn vị phát hành thẻ sẽ yêu cầu bạn khai báo một số thông tin để xác minh chính xác chủ thẻ như Mã PIN, thông tin cá nhân, địa chỉ, số dư nợ còn lại trong thẻ, ngày giao dịch gần nhất. Vì vậy, tại thời điểm phát hành thẻ bạn nên lưu ý để nhớ chính xác thông tin về mã PIN và thông tin cá nhân của mình.
Sau khi thu thập thông tin từ bạn, đơn vị phát hành thẻ sẽ kiểm tra độ chính xác của các thông tin này.
Thẻ tín dụng của bạn chỉ được khóa khi bạn hoàn tất những điều kiện được ghi rõ trong hợp đồng thẻ tín dụng mà bạn đã kí với đơn vị phát hành thẻ.
Bước 3: Khi hoàn tất các thủ tục hủy thẻ tín dụng trên, bạn cần nộp lại thẻ tín dụng cho đơn vị phát hành.
Nếu bạn không nộp lại thẻ, thì nó sẽ được coi là thẻ đang trong tình trạng thất lạc hoặc mất cắp và lúc đó bạn sẽ phải trả thêm một khoản phí là phí làm mất thẻ.
Tại thời điểm nộp lại thẻ tín dụng, bạn nên yêu cầu đơn vị hủy thẻ ngay trước mặt bạn (các bước phá hủy thẻ sau khi đã hoàn tất tất cả các bước trên như cắt thẻ, cho thẻ vào máy hủy tài liệu) để đảm bảo chiếc thẻ không còn nguyên vẹn nhằm bảo mật thông tin cá nhân của bạn (do trên thẻ tín dụng có rất nhiều thông tin quan trọng như số và mã bảo mật thẻ dụng, đây là thông tin mà nếu có được người khác hoàn toàn có thể sử dụng mà không cần được sự đồng ý của bạn).
Những lưu ý khi hủy thẻ tín dụng
Lựa chọn trong các thẻ tín dụng đang sử dụng, ưu tiên hủy bỏ những loại thẻ tín dụng ít sử dụng nhất
Các bạn nên nhớ sau khi hủy bỏ thẻ tín dụng mà khi cần sử dụng lại bạn sẽ bị thẩm định lại như ban đầu, thậm chí nếu trong quá trình sử dụng trước bạn có một lịch sử giao dịch không được tốt cho lắm thì rất có thể bạn sẽ bị từ chối phát hành một thẻ mới.
Điều đó, đồng nghĩa với việc rất có thể bạn sẽ phải đi vay ở một đơn vị khác không được uy tín với lãi suất cao để phục vụ cho nhu cầu của mình nếu bạn đang cần rất gấp.
Tuy nhiên, nếu đây là loại thẻ bạn rất ít sử dụng, có khi một năm không xài đến 1 lần thì bạn nên hủy ngay để giảm bớt phí thường niên và hạn chế rủi ro.
Không hủy thẻ khi thời gian sử dụng chưa đến 06 tháng
Có rất nhiều khách hàng mở thẻ để ủng hộ bạn bè mình làm tại các đơn vị phát hành thẻ trong thời gian chạy chỉ tiêu hoặc chỉ mở thẻ để hưởng được các ưu đãi trong thời gian đầu (thông thường là miễn phí thường niên năm đầu, hoàn tiền khi tiêu dùng một số tiền nhất định theo quy định của chương trình…)
Tuy nhiên, với trường hợp này bạn không muốn sử dụng lâu dài thì cũng không nên hủy thẻ ngay vì điều này sẽ lưu lại trong lịch sử sử dụng thẻ tín dụng của bạn và làm bạn giảm điểm tín dụng trong các lần phê duyệt đăng ký mở thẻ mới lần sau.
Hủy thẻ tín dụng gây áp lực cho bạn khi cần phải thanh toán đầy đủ dư nợ và phí trước khi hủy thẻ
Khi hủy thẻ đồng nghĩa với việc bạn phải thanh toán toàn bộ tất cả các khoản dư nợ còn lại và các loại phí trong kỳ. Vì vậy, bạn cần cân nhắc kĩ trước khi hủy thẻ vì nó có thể sẽ gây áp lực cho nguồn chi tiêu của bạn sau này nếu bạn dùng vốn tiết kiệm của mình để trả hoặc gây áp lực trả nợ nếu bạn vay tiền một bên không uy tín để trả nợ gấp trước khi hủy thẻ.
Và cuối cùng là sử dụng hết điểm thưởng trước khi hủy thẻ tín dụng
Trước khi hủy thẻ tín dụng bạn nên sử dụng hết điểm thưởng tích lũy được, vì sau khi hủy thẻ điểm thưởng sẽ trở nên vô hiệu không còn quy đổi được nữa.
Đặc biệt, bạn nên lưu ý đến một số loại thẻ tín dụng tự động tích lũy điểm thưởng suốt năm như Cashback, đừng quên tận dụng tối đa những sản phẩm được quy đổi từ điểm thưởng.