Thẻ tín dụng được biết đến với rất nhiều lợi ích cho người sử dụng. Vậy bạn có nên mở thẻ tín dụng? Điều kiện, thủ tục và quy trình mở thẻ tín dụng như thế nào? Tất cả sẽ được làm rõ trong bài viết dưới đây.
Có nên mở thẻ tín dụng không?
Như các bạn đã biết thẻ tín dụng là một loại thẻ do ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng phát hành mà người sử hữu có thể thanh toán mà không cần có tiền sẵn trong thẻ, hay nói cách khác bạn được “mượn” một số tiền của ngân hàng để mua sắm, chi tiêu và cuối kỳ sẽ phải trả đầy đủ cho ngân hàng/ tổ chức tín dụng phát hành thẻ.
Nó mang lại rất nhiều lợi ích cho người sở hữu nó như sau:
Thẻ tín dụng là sản phẩm hỗ trợ tài chính
Khi bạn cần huy động món tiền lớn mà chưa có đủ vốn tiết kiệm để dùng cho mục đích tiêu dùng cá nhân trong khoảng thời gian ngắn, tức thời thì thẻ tín dụng là một công cụ hỗ trợ đắc lực.
Nó giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức trong việc tìm kiếm nguồn tiền để vay.
Thanh toán trở nên tiện lợi hơn
Trước đây mỗi khi bạn đi đâu mua sắm, du lịch …bạn thường phải chuẩn bị lượng tiền mặt lớn để mang theo, việc đó tiềm ẩn rủi ro trong trường hợp bạn bị đánh rơi hoặc bị kẻ gian đánh cắp.
Tuy nhiên kể từ khi thẻ tín dụng ra đời, nó đã xóa tan phần lớn nỗi lo phải mang theo tiền mặt để thanh toán, thay vào đó bạn chỉ cần mang theo chiếc thẻ nhỏ xinh trong ví. Trường hợp bạn bị mất thẻ thì bạn hoàn toàn có thể khóa và báo ngay cho bên phát hành thẻ để ngăn chặn kẻ gian lấy tiền của bạn.
Hiện nay, thẻ tín dụng được chấp nhận ở hầu hết các trung tâm thương mại, cửa hàng, nhà hàng… đưa đến sự thuận lợi khi thanh toán. Bên cạnh đó, bạn còn có thể sử dụng thẻ để thanh toán các loại hóa đơn như hóa đơn điện, nước hay mua hàng/đặt hàng trên website.
Nhiều ưu đãi khi thanh toán
Các ngân hàng thường cung cấp nhiều ưu đãi hấp dẫn dành cho khách hàng mở thẻ tín dụng. Các chương trình giảm giá khi mua các hàng hóa hay dịch vụ, chiết khấu khi đặt vé váy bay, phòng khách sạn,…là những ưu đãi phổ biến nhất. Bên cạnh đó các ưu đãi về mua hàng trả góp không lãi suất, hoàn tiền mặt cũng xuất hiện khá nhiều.
Giúp bạn quản lý chi tiêu của mình
Do các chi tiêu của bạn thông qua thẻ tín dụng của ngân hàng, vì vậy các giao dịch này đều được ghi nhận lại.
Mỗi kỳ thanh toán thẻ, bạn sẽ nhận được 01 bản sao kê về chi tiêu, việc này giúp bạn sẽ xem được trong kỳ đó mình tiêu dùng như thế nào, có sử dụng quá nhiều cho việc mua sắm, ăn uống không cần thiết hay không. Từ đó, bạn có thể điều chỉnh chi tiêu của mình cho phù hợp với thu nhập mà bạn kiếm được.
Tuy nhiên, nếu trong quá trình sử dụng thẻ bạn sử dụng chi tiêu quá đà, rất có thể đem lại những tác hại cho bạn như phải trả lãi suất cao nếu không trả nợ đúng hạn hoặc rút tiền mặt hay ảnh hưởng đến điểm tín dụng của bạn khi quá hạn.
Bản thân thẻ tín dụng đem lại vô cùng nhiều lợi ích và nó không hề xấu, việc nó xảy ra tác hại hoàn toàn là do thói quen tiêu dùng của người sử dụng.
Vì vậy, nếu bạn là một nhà tiêu dùng thông thái bạn hoàn toàn nên mở thẻ tín dụng.
Vậy, cách mở thẻ tín dụng như thế nào, thủ tục hồ sơ ra sao sẽ được làm rõ hơn ở phần dưới đây.
Điều kiện mở thẻ tín dụng
Đối tượng được mở thẻ tín dụng thường phải đạt yêu cầu cơ bản sau:
- Công dân người Việt Nam hoặc người nước ngoài đang sống tại Việt Nam, tuổi từ 18 tuổi trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ
- Có công việc ổn định, mức thu nhập từ 4.500.000 đồng/tháng trở lên, tùy từng loại thẻ điều kiện mở thẻ sẽ có một chút thay đổi.
Ví dụ, tại ngân hàng VPBank mức thu nhập tối thiểu để mở thẻ tín dụng với thẻ VPBank Number 1 là 4.500.000 đồng/tháng, nhưng đối với thẻ VPLady, thẻ VPBank StepUp là 7.000.000 đồng/tháng, thẻ VPBank Platinum là 12.000.000 đồng/tháng.
Hồ sơ cần chuẩn bị để mở thẻ tín dụng
Khi mở thẻ tín dụng tương tự như cấp một khoản vay, vì vậy các hồ sơ thu thập cũng cần đảm bảo một số yếu tố như làm rõ về pháp lý người vay (chứng minh thư nhân dân, hổ khẩu…); hồ sơ về công việc, ngành nghề kinh doanh, tình hình tài chính ( họ làm ở đâu thông qua hợp đồng lao động, thu thập của họ là bao nhiêu thông qua bảng sao kê lương hàng tháng…); tài sản đảm bảo (nếu thẻ tín chấp thì thu nhập hàng tháng chính là tài sản đảm bảo, còn nếu thẻ tín dụng có tài sản đảm bảo thì tài sản là gì, sổ tiết kiệm, bất động sản.v.v…)
Hồ sơ pháp lý: chỉ cần 1 loại giấy tờ trong mỗi mục
- Chứng minh thông tin cá nhân: CMND/ thẻ CCCD hoặc Hộ chiếu
- Chứng minh thông tin cư trú: Sổ hộ khẩu/ Bằng lái xe
- Chứng minh nơi ở: Sổ đăng ký tạm trú dài hạn/ Giấy thông báo/ hóa đơn dịch vụ/ sao kê thẻ tín dụng/ sao kê lương
Hồ sơ về công việc, ngành nghề kinh doanh, tình hình tài chính: chỉ cần 1 loại giấy tờ trong mỗi mục
Chứng minh công việc
- Hợp đồng lao động
- Quyết định nâng lương/ bổ nhiệm
- Giấy đăng ký kinh doanh
Chứng minh tài chính
- Sao kê tài khoản lương
- Phiếu lương/ bảng kê lương/ xác nhận lương (áp dụng cho khách hàng đang làm việc tại các cơ quan nhà nước)
- Hợp đồng bảo hiểm và hóa đơn/ biên lai.
- Hình ảnh thẻ và sao kê thẻ tín dụng của ngân hàng khác (áp dụng với khách hàng có dưới 3 thẻ tín dụng của các ngân hàng khác)
Hồ sơ về tài sản đảm bảo
- Trường hợp mở thẻ tín dụng tín chấp bằng thu nhập, hồ sơ chứng minh tài chính là hồ sơ chứng minh tài sản luôn, còn mở thẻ bằng tài sản thì tài sản bạn thế chấp là gì thì hồ sơ chuẩn bị sẽ tương ứng với tài sản đó.
Ví dụ, tài sản là sổ tiết kiệm thì bạn phải cung cấp thông tin về sổ tiết kiệm, tài sản là ô tô thì cung cấp đăng ký xe.v.v…
Việc cung cấp này sẽ giúp ngân hàng đánh giá rủi ro và hạn mức thẻ tín dụng cấp cho bạn căn cứ trên tài sản bạn có.
Quy trình mở thẻ tín dụng
Mở thẻ tín dụng theo cách truyền thống
Bước 1: Khi phát sinh nhu cầu mở thẻ tín dụng, khách hàng tra cứu phòng giao dịch/ chi nhánh gần nhất của ngân hàng mình đang có thẻ tín dụng. Thông tin địa chỉ đều được công khai chi tiết trên các trang web của từng ngân hàng.
Bước 2: Ra quầy giao dịch trao đổi với nhân viên ngân hàng/ tổ chức tín dụng về nhu cầu phát hành thẻ tín dụng của mình để được tư vấn, bạn sẽ được tư vấn các hồ sơ cần chuẩn bị để phục vụ việc phát hành thẻ tín dụng.
Ngoài ra, việc trực tiếp ra quầy giao dịch, khách hàng có thể gọi lên tổng đài hoặc lên trang web của các ngân hàng/ tổ chức. Tại đây, sẽ có hình thức lấy thông tin đăng ký để tư vấn cho bạn.
Bước 3: Chuẩn bị và cung cấp đầy đủ các hồ sơ theo tư vấn của tổ chức tín dụng đã làm việc, hồ sơ cơ bản sẽ bao gồm:
- Mẫu đơn đăng ký phát hành thẻ tín dụng (thông thường theo mẫu của ngân hàng phát hành thẻ)
- Các hồ sơ chứng minh liên quan: Dựa trên nhu cầu, năng lực tài chính và tài sản của bạn là gì (hồ sơ theo như phần hồ sơ cần chuẩn bị bên trên)
Bước 4: Nhân viên của tổ chức tín dụng sẽ tiến hành thẩm định, kiểm tra tính xác thực của hồ sơ, lịch sử giao dịch của khách hàng và đối chiếu với quy định để đưa ra quyết định phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng với hạn mức là bao nhiêu.
Bước 5: Sau 10-15 ngày từ ngày được phát hành, bạn đến ngân hàng nơi bạn mở thẻ tín dụng để lấy thẻ hoặc thẻ sẽ được chuyển phát đến cho bạn theo địa chỉ bạn cung cấp.
Đăng ký mở thẻ online
Hiện nay có rất nhiều ngân hàng có hình thức mở thẻ tín dụng online, bạn có thể hoàn thiện thủ tục mở thẻ ngay tại nhà mà không cần mang hồ sơ đến quầy giao dịch của ngân hàng.
Bước 1: Bạn lên google search từ khóa “mở thẻ tín dụng + [Tên ngân hàng bạn muốn mở thẻ]”. Ví dụ: Mở thẻ tín dụng techcombank
Sau đó google sẽ hiện ra trang web của mở thẻ tín dụng của ngân hàng đó (nó sẽ chỉ hiện ra với ngân hàng có hình thức mở thẻ online, một số ngân hàng hiện ra chỉ là trang đăng ký tư vấn nhưng thẻ vẫn được phát hành theo hình thức truyền thống bên trên)
Bước 2: Vào trang web đó vào mục “Mở thẻ ngay” và điền các thông tin theo yêu cầu
Bước 3: Upload các hồ sơ chứng minh theo yêu cầu. Hệ thống online sẽ chuyển thông tin này về một bộ phận nhận thông tin của ngân hàng. Tại đậy, các nhân viên ngân hàng sẽ xem tính hợp lệ đầy đủ của hồ sơ của bạn và tiến hành phát hành thẻ.
Bước 4: Sau 10-15 ngày từ ngày được phát hành, bạn đến ngân hàng nơi bạn mở thẻ tín dụng để lấy thẻ hoặc thẻ sẽ được chuyển phát đến cho bạn theo địa chỉ bạn cung cấp.
Tóm lại, hồ sơ mở thẻ tín dụng tương đối đơn giản bao gồm hồ sơ pháp lý (chứng minh nhân dân, hộ chiếu, hộ khẩu, sổ tạm trú…) và hồ sơ chứng minh thu nhập(sao kê lương…) hoặc hồ sơ tài sản đảm bảo kèm theo (nếu có) là bạn đã có đầy đủ hồ sơ để phát hành thẻ tín dụng.
Bên cạnh đó, thủ tục từ phía ngân hàng cũng rất nhanh gọn, khi bạn đã có đầy đủ hồ sơ thì việc phê duyệt thường là chắc chắn và thẻ sẽ được chuyển đến bạn trong vòng 10-15 ngày.
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về lợi ích và quy trình phát hành thẻ tín dụng, rất mong đây sẽ là nguồn tham khảo hữu ích khi bạn đang phân vân và lo ngại về vấn đề thủ tục thời gian khi phát hành thẻ tín dụng.
>> Xem thêm: TOP #5 cách mở thẻ tín dụng không cần chứng minh thu nhập