Số tiền khách hàng vay vốn hoặc chi tiêu từ thẻ tín dụng tại các tổ chức tín dụng hoặc các ngân hàng đều được gọi là dư nợ. Tìm hiểu về các loại dư nợ, cách thanh toán dư nợ giúp khách hàng sử dụng nguồn vốn vay thông minh, tận dụng được ưu đãi từ ngân hàng mà không lo bị dính nợ xấu.
Hãy cùng tìm hiểu về dư nợ, các loại dư nợ và cách thanh toán dư nợ tín dụng trong bài viết dưới đây.
Dư nợ là gì?
Bất kỳ khách hàng nào đang sử dụng thẻ tín dụng hoặc đang vay vốn tại các ngân hàng chắc hẳn đều quen thuộc với cụm từ “dư nợ”. Dư nợ là số tiền nợ mà khách hàng đang nợ ngân hàng thông qua các hình thức vay vốn tiêu dùng, thấu chi, chi tiêu bằng thẻ tín dụng,… Mỗi khoản vay hoặc một chi tiêu mới trong thẻ tín dụng của bạn đều làm phát sinh dư nợ và được ngân hàng ghi nhận
Khi khách hàng vay vốn tín chấp hoặc thế chấp tại ngân hàng, dư nợ sẽ được ngân hàng quản lý và thu hồi theo từng tháng. Khách hàng vay vốn cần phải lưu ý dư nợ gốc cộng với lãi hàng tháng để có phương án trả nợ ngân hàng.
Đối với những khách hàng sử dụng thẻ tín dụng, bạn sẽ được cấp một hạn mức tín dụng nhất định theo điều kiện và nhu cầu của mình. Và bạn được phép thanh toán cho các giao dịch mua sắm, dịch vụ trong nước và quốc tế hoặc rút tiền mặt do ngân hàng ứng trước. Các giao dịch này được tính vào dư nợ thẻ tín dụng của bạn. Khi đến kỳ hạn thanh toán, chủ thẻ có nhiệm vụ thanh toán toàn bộ dư nợ trong kỳ được ghi nhận trong sao kê theo thời hạn quy định của ngân hàng.
Dư nợ tín dụng là gì?
Dư nợ tín dụng là khoản tiền còn lại sau khi khách hàng thanh toán các khoản nợ. Nếu bạn đã thanh toán hết, dư nợ tín dụng của bạn sẽ bằng không.
Tương tự với dư nợ tín dụng của các khách hàng chi tiêu qua thẻ tín dụng. Sau thời hạn thanh toán quy định, nếu chủ thẻ không thực hiện chi trả toàn bộ số tiền đã chi trong kì thì phần chưa thanh toán sẽ bị chuyển sang phần dư nợ tín dụng của khách hàng. Khi đó, phần dư nợ tín dụng sẽ bị tính lãi như một khoản nợ vay với mức lãi suất được ngân hàng quy định.
Nếu không thanh toán dư nợ tín dụng đầy đủ và đúng thời hạn thanh toán, rất có thể, khoản nợ của bạn sẽ bị ghi nhận nợ xấu. Ngân hàng sẽ căn cứ vào dư nợ tín dụng để đánh giá uy tín của khách hàng trong những lần vay vốn tiếp theo.
Một số khái niệm mà khách hàng cũng cần quan tâm khi có dư nợ tại ngân hàng gồm có: Dư nợ ban đầu hay dư nợ gốc, dư nợ giảm dần, doanh số cho vay, doanh số thu nợ.
- Dư nợ ban đầu là số tiền vay của khách hàng tính tại thời điểm đầu tiên khi giải ngân.
- Dư nợ giảm dần là một trong các cách tính lãi phổ biến hiện nay tại ngân hàng. Tính lãi theo dư nợ giảm dần thường được áp dụng cho các khoản vay lớn, thường là các khoản thế chấp.
- Doanh số thu nợ là số tiền mà khách hàng đã thu về từ những khoản cho vay trước đó hoặc là số tiền mà khách hàng đã trả lại cho ngân hàng
- Doanh số cho vay là tổng tất cả các khoản tiền mà ngân hàng đã cho vay ra trong một khoảng thời gian nào đó.
Phân loại dư nợ
Nếu phân loại theo mức độ nợ, dư nợ tín dụng có thể chia làm 5 loại. Các nhóm nợ này sẽ được ghi nhận tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia – CIC. Khi đó, lịch sử tín dụng của khách hàng sẽ hình thành một cách đầy đủ trong hệ thống thông tin của CIC.
Các nhóm dư nợ được phân loại như sau:
Dư nợ nhóm 1: Dư nợ chuẩn
Nhóm này sẽ bao gồm các khoản nợ tín dụng được thanh toán trong hạn và các khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày.
Dư nợ nhóm 2: Dư nợ cần chú ý
Nhóm này bao gồm các khoản nợ tín dụng quá hạn từ 10 – 90 ngày và các khoản nợ được điều chỉnh lại kỳ hạn thanh toán.
Dư nợ nhóm 3: Dư nợ dưới tiêu chuẩn
Nhóm này bao gồm các khoản nợ tín dụng quá hạn từ 90 – 180 ngày, các khoản nợ dù đã được điều chỉnh lại kỳ hạn thanh toán nhưng vẫn nợ dưới 90 ngày và các khoản nợ được miễn lãi hoặc giảm lãi do không đủ khả năng trả lãi.
Dư nợ nhóm 4: Dư nợ có nghi ngờ
Nhóm này bao gồm các khoản nợ tín dụng quá hạn từ 180 – 360 ngày, các khoản nợ dù đã được điều chỉnh lại kỳ hạn thanh toán nhưng vẫn nợ từ 90 – 180 ngày và các khoản nợ được cơ cấu lại thời kỳ trả nợ lần thứ hai
Dư nợ nhóm 5:Dư nợ có nguy cơ mất vốn
Nhóm này bao gồm các khoản nợ tín dụng quá hạn từ 360 ngày trở lên, các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 180-360 ngày trở lên theo thời gian trả nợ được cơ cấu lại lần đầu, các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai và các khoản nợ cơ cấu lại thời gian trả nợ lần thứ ba trở lên, kể cả chưa bị quá hạn hoặc đã quá hạn.
Nếu dư nợ của bạn quá hạn từ 90 ngày, có nghĩa là từ nhóm 3 trở lên. Dư nợ của bạn sẽ được gọi là nợ xấu. Công thức phân loại nợ này được áp dụng với cả các hình thức vay vốn và hình thức chi tiêu qua thẻ tín dụng.
Cách thanh toán dư nợ tín dụng
Thanh toán dư nợ tín dụng khi vay vốn ngân hàng
Dù là bạn vay tín chấp hay vay vốn thế chấp tại ngân hàng, thì bạn chỉ có một cách duy nhất để thanh toán dư nợ tín dụng của mình. Đó chính là trả gốc và lãi cho ngân hàng. Tùy theo ngân hàng áp dụng phương pháp tính lãi như thế nào mà số tiền bạn phải thanh toán theo từng tháng cũng khác nhau. Để tránh rủi ro khi quên mất hạn thanh toán hoặc thanh toán thiếu tiền thì cách tốt nhất là lập kế hoạch chi tiêu và trả nợ chi tiết.
Nhiều ngân hàng hiện nay có tiện ích nhắc nợ tự động, khi đến hạn thanh toán, ngân hàng có thể gửi tin nhắn hoặc thông báo số tiền cùng hạn thanh toán cho bạn qua email đăng ký.
Thanh toán dư nợ thẻ tín dụng
Thanh toán dư nợ thẻ tín dụng thì đơn giản hơn nhiều so với thanh toán dư nợ vay vốn. Các ngân hàng cũng cho phép bạn thanh toán bằng nhiều cách, vô cùng tiện lợi.
Cụ thể, bạn có thể thanh toán dư nợ thẻ tín dụng theo một trong 3 cách sau:
Cách 1: Thanh toán chuyển khoản từ tài khoản thẻ khác
Khách hàng có thể chuyển khoản tại quầy, tại ATM hoặc thông qua kênh ngân hàng điện tử từ tài khoản thanh toán khác sang tài khoản thẻ tín dụng của mình để thanh toán dư nợ thẻ tín dụng.
Cách 2: Thanh toán tiền mặt
Một cách đơn giản để thanh toán số dư nợ trên tài khoản thẻ tín dụng là nộp tiền mặt tại các máy ATM hoặc tại các quầy giao dịch của ngân hàng.
Cách 3: Thanh toán bằng Séc hoặc ủy nhiệm chi
Chủ thẻ có thể ký séc hoặc viết giấy ủy nhiệm chi gửi ngân hàng để yêu cầu thanh toán dư nợ cho thẻ tín dụng. Đây là cách thanh toán rất phổ biến ở các nước phát triển nhưng chưa phổ biến ở Việt Nam.
Các thông tin về ngày đến hạn thanh toán, dư nợ cần thanh toán sẽ được ngân hàng thông báo đến bạn thông qua sao kê thẻ tín dụng mỗi tháng.